Rối vì nhiều “app” quá

Các ứng dụng công nghệ với nhiều đặc điểm tiện ích, cung cấp thông tin nhanh, dễ sử dụng đang mang lại nhiều thuận lợi cho người dùng, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, với việc tồn tại cùng lúc quá nhiều ứng dụng trên cùng một chủ đề, nội dung cũng đang khiến người dùng “rối tung rối mù”.

Trao đổi với một số người chung quanh, ai cũng “kêu trời” vì trên chiếc điện thoại của họ đang có quá nhiều ứng dụng (app) thông minh. Ngành điện, nước mỗi cơ quan đều có app riêng, đặt hàng qua mạng cũng mỗi hãng một app, riêng trong lĩnh vực y tế thì có nhiều hơn. Thậm chí, có người hiện có khoảng 20 app thông minh trên điện thoại: Bảo hiểm y tế; tiêm chủng, kiểm dịch y tế, sổ tay y tế,… Mỗi cơ quan đều thiết kế riêng một app và khuyến nghị người dùng nên tải về để theo dõi. Nhiều người thắc mắc, có nhiều app liên quan đến sức khỏe nhưng chỉ sử dụng một vài lần trong năm, tại sao các cơ quan chức năng không tích hợp vào trong một app để tiện trong thao tác, sử dụng và tra cứu thông tin.

Không thể phủ nhận những tiện ích mà các app công nghệ mang lại, nhất là trong dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Các giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ đắc lực trong các công tác khai báo y tế điện tử; truy vết, phát hiện người tiếp xúc gần với người mắc Covid-19; quản lý người cách ly, giám sát các khu cách ly; rồi còn đánh giá nguy cơ dịch bệnh ở các địa phương; quản lý công tác tiêm chủng, kết quả xét nghiệm,… Tuy nhiên, người dùng cũng nhận thấy rằng, các app đang thiếu sự kết nối, chia sẻ, đồng bộ mà vẫn đang thực hiện theo kiểu “mạnh ai nấy làm” chưa thật sự tạo thuận lợi cho người dân trong việc sử dụng, thao tác trên cùng một mục đích là cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng nhằm kiểm soát dịch bệnh tốt hơn. 

Tại TP Hồ Chí Minh, một số quận, huyện cơ bản kiểm soát được dịch Covid đã bắt đầu tính đến phương án dùng “thẻ xanh Covid” nhằm nới lỏng các hoạt động về kinh tế - xã hội cho người dân. Trong tương lai không xa, dạng “thẻ xanh” này sẽ được triển khai rộng rãi, đại trà trên cơ sở căn cứ vào kết quả tiêm vắc-xin, thời gian khỏi bệnh của bệnh nhân F0 để người dân lưu thông trên đường và tham gia các hoạt động khác. Và để dần đưa người dân vào trạng thái “bình thường mới” thì việc quản lý dữ liệu, tiêu chuẩn sức khỏe không thể thực hiện theo kiểu mỗi nơi mỗi kiểu như hiện nay. Vấn đề đặt ra là khi đường phố nhộn nhịp, xã hội “bình thường mới” trở lại thì việc quản lý công dân trên nền tảng công nghệ sẽ thực hiện như thế nào để bảo đảm việc giám sát, phòng ngừa các nguy cơ dịch tái bùng phát trên địa bàn thành phố. 

Xa hơn nữa, sự liên kết, kết nối vùng, địa phương, các hoạt động kinh tế - xã hội được tái lập thì việc kiểm tra, kiểm soát dịch Covid-19 dựa trên các nền tảng công nghệ được thực hiện như thế nào? Để trả lời câu hỏi đó, các chuyên gia công nghệ cho rằng, các cơ quan chức năng cần tích hợp các ứng dụng liên quan trong cùng một ngành, lĩnh vực hoặc nhiều ngành, lĩnh vực vào trong một ứng dụng duy nhất. Các số liệu, thông tin hiện đều đã được mỗi cơ quan chức năng thực hiện lưu trữ, số hóa trên nền tảng công nghệ nên khi tích hợp, đồng bộ chúng lại với nhau chỉ là vấn đề xử lý của các nhà cung cấp ứng dụng công nghệ. 

Khi thành phố “bình thường mới” trở lại, mỗi ngày sẽ có hàng triệu lượt “thẻ xanh”, “thẻ vàng” ra đường nên từ lúc này, các cơ quan chức năng cần sẵn sàng cho các phương án kiểm tra, kiểm soát đồng loạt nhưng vẫn bảo đảm được mục tiêu không bỏ sót các đối tượng tiềm ẩn nguy cơ mắc Covid-19 trong cộng đồng và nguy cơ ùn ứ cục bộ tại các điểm kiểm soát.