Quyền lợi người dân trong vùng quy hoạch

Vấn đề quy hoạch “treo”, dự án chậm triển khai một lần nữa lại “nóng” lên khi Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh thực hiện đợt giám sát tại các quận, huyện có nhiều đồ án quy hoạch.

Sau nhiều nỗ lực, đến nay, thành phố đã hủy bỏ 108 dự án chậm triển khai với diện tích hơn 473 ha trong kế hoạch sử dụng đất từ năm 2015 đến năm 2019. Đây là tín hiệu đáng mừng, nhưng so với 4.800 dự án quy hoạch chưa được triển khai thì số dự án vừa được hủy bỏ còn quá ít ỏi. Vẫn còn đó hàng ngàn ha đất vàng bị bỏ hoang hóa, cỏ mọc lút đầu người kéo theo hàng chục ngàn người dân bị ảnh hưởng quyền lợi.

Vẫn là những nguyên nhân không mới được các địa phương và sở, ngành có trách nhiệm đưa ra để lý giải cho việc chậm thực hiện các đồ án quy hoạch. Đó là lập quy hoạch nhưng không có kinh phí để thực hiện; các chủ đầu tư thiếu năng lực; quy hoạch này chồng lấn quy hoạch kia; Luật Quy hoạch mâu thuẫn với Luật Đất đai nên gây lúng túng trong thực hiện. Đó là chưa kể tình trạng có nhiều khu đất Nhà nước giao cho các tổng công ty, cơ quan cấp trên thực hiện dự án nhưng lại bỏ hoang, hoặc cho thuê rất lãng phí mà không giao lại cho địa phương thực hiện các công trình công cộng phục vụ người dân.

Tất cả những nguyên nhân nêu trên đều dẫn đến hệ lụy nguồn lực đất đai của thành phố bị sử dụng lãng phí, trong khi thành phố đang rất cần vốn để xây dựng các dự án trọng điểm phục vụ cho việc phát triển. Quan trọng hơn, chính tình trạng quy hoạch “treo”, dự án không hoặc chậm triển khai đã ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống người dân có nhà đất nằm trong các dự án. Người dân không thể xây dựng, sửa chữa nhà; không được mua, bán; không làm được hồ sơ cấp chủ quyền; con cái khó khăn trong việc học hành. Không những thế, quy hoạch “treo” còn kéo theo hạ tầng xuống cấp, đường sá không được xây dựng, tôn tạo dẫn đến ngập nước khiến người dân lâm cảnh đi không được, ở cũng không xong, bức xúc chồng thêm bức xúc, giảm niềm tin với chính quyền...

Tại các buổi giám sát, vấn đề cấp bách được đại biểu Quốc hội đặt ra là thành phố cần phải có chính sách phù hợp về nhà, đất đối với người dân trong khu vực quy hoạch theo hướng tạo sự công bằng, giảm độ vênh giữa người dân sống trong và ngoài các khu vực quy hoạch. Hạn chế tối đa gây ảnh hưởng đến đời sống, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trong khu vực quy hoạch. Thành phố cần kiến nghị với Trung ương các vướng mắc, khó khăn trong triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch xây dựng, từ đó có những quy định đặc thù cho thành phố Hồ Chí Minh nhằm bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, tăng tính khả thi của các đồ án quy hoạch đô thị và quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trong khu vực quy hoạch.

Bên cạnh đó, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính trong lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch; khắc phục tình trạng thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà, qua nhiều bộ phận gây khó khăn, phiền phức cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, tạo môi trường thuận tiện khai thác, sử dụng các thông tin quy hoạch; phục vụ nhanh chóng các nhu cầu về khai thác thông tin, giải quyết các thủ tục hành chính cho các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân...