Quy hoạch đồng bộ trong việc chống ngập

Hình ảnh người đi đường dắt xe lội bì bõm trong biển nước; các hộ dân tát nước cả đêm và “xây đê” trước cửa nhà để chống ngập… đã quá quen thuộc vào mỗi mùa mưa ở TP Hồ Chí Minh. Ghi nhận thực tế, cũng có khu vực tình trạng ngập lụt được cải thiện đáng kể sau khi hoàn thiện các dự án chống ngập, nhưng không ít nơi tình trạng ngập ngày một nghiêm trọng hơn mà chưa có giải pháp giải quyết căn cơ. Khu vực chung quanh chợ Thủ Đức gồm các tuyến đường Kha Vạn Cân, Võ Văn Ngân; khu vực phường Thảo Điền; đường Lã Xuân Oai (TP Thủ Đức); tuyến đường Nguyễn Văn Quá (quận 12)… hễ có mưa là ngập…

Thời gian qua, chính quyền thành phố đã dành nguồn kinh phí hàng chục nghìn tỷ đồng cho công tác chống ngập nhưng hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn do nhiều nguyên nhân. Trong đó, có tình trạng nhiều dự án thi công chậm tiến độ, thủ tục đầu tư còn chồng chéo, thiếu kinh phí; quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, hạ tầng thoát nước chưa kịp phát triển theo quy hoạch gây ra tình trạng ngập úng; các quy hoạch về thoát nước, chống ngập, thủy lợi hiện nay lạc hậu không còn phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của đô thị.
 
 Năm 2016, dự án chống ngập do triều có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu nhằm giải quyết ngập úng phía nam thành phố quy mô 750 km2 với kinh phí đầu tư gần 10 nghìn tỷ đồng đã được khởi động. Sau hơn 5 năm thi công đã đạt 96% khối lượng, nhưng đang tắc vì chủ đầu tư và UBND thành phố chưa thống nhất về việc ký kết các phụ lục hợp đồng. Hay dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm nhằm giải quyết ngập úng, cải thiện môi trường cho một vùng rộng lớn thuộc hai quận Bình Thạnh và Gò Vấp kéo dài gần 20 năm nay, vừa được khởi động lại thì kinh phí đã tăng vọt so với trước gần 100 lần. Một số dự án chống ngập, cải thiện môi trường cấp bách nhưng vẫn còn nằm trên giấy...
 
 Đánh giá kết quả chống ngập trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2020, Sở Xây dựng thành phố cho rằng, tiến độ triển khai các dự án chống ngập còn chậm, so với quy hoạch tổng thể thoát nước chỉ đạt 46% tiến độ. Đến cuối năm 2020, thành phố mới giải quyết được 22/40 tuyến đường trục chính (đạt 55%). Nhiều hạn chế đã được Sở Xây dựng thành phố nhìn nhận như: các quy hoạch về thoát nước, chống ngập, thủy lợi được phê duyệt đã không còn phù hợp nhưng chưa kịp thời bổ sung, điều chỉnh; công tác dự báo về thời tiết, thủy văn chưa khoa học, độ chính xác chưa cao. Cùng với đó là công tác kêu gọi đầu tư đang gặp khó khăn, khả năng huy động vốn ODA đang bị thu hẹp, chưa có cơ chế thu hút các nguồn vốn khác ngoài ngân sách…
 
 Nhiều chuyên gia về đô thị và chống ngập cũng đánh giá, điểm yếu kém là một số dự án chống ngập ở thành phố mới đưa vào sử dụng đã lộ rõ bất cập. Đó là: Nhiều hệ thống hạ tầng thoát nước vừa đưa vào hoạt động đã lạc hậu so với tần suất và lưu lượng mưa; các dự án triển khai mang tính nhỏ lẻ, không mang tính kết nối đồng bộ trên phạm vi rộng, mang tính lưu vực. Lo ngại hơn, đã xuất hiện tình trạng chống ngập điểm này lại chuyển sang ngập điểm khác, nâng đường lên cao kéo theo các con hẻm bị ngập…
 
 Chống ngập luôn là bài toán nan giải của nhiều đô thị hiện nay. Với TP Hồ Chí Minh, cần có một quy hoạch tổng thể, lâu dài và phải có lộ trình, kế hoạch thực hiện thật cụ thể, phù hợp. Theo đó, cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch thoát nước một cách phù hợp, gắn với quy hoạch đô thị. Quy hoạch thoát nước là cơ sở của quy hoạch đô thị, kết hợp dự báo về tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Trên cơ sở quy hoạch hồ điều tiết ở một số khu vực, chính quyền nên sớm thu hồi quỹ đất để cùng ngành thoát nước triển khai xây dựng các hồ điều tiết, phát huy công năng thu gom nước mưa để góp phần giải quyết tình trạng ngập úng đô thị.
 
 Với những dự án có nguồn vốn lớn, thành phố cần phân kỳ đầu tư, đẩy nhanh tiến độ, nhất là công tác bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư tránh kéo dài, chậm trễ ảnh hưởng đến hiệu quả chống ngập mang tính lưu vực trên phạm vi rộng. Để chống ngập một cách căn cơ hơn, khi thực hiện dự án đầu tư cần mang tính liên kết vùng, liên kết các tỉnh, thành phố lân cận để việc thoát nước, ngăn triều mang tầm nhìn chiến lược…