Quan tâm sức khỏe tâm thần ở trẻ

Sức khỏe tâm thần đóng vai trò quan trọng bên cạnh sức khỏe thể chất ở mỗi con người, nhất là ở độ tuổi trẻ em và trẻ vị thành niên. Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu sụt giảm về sức khỏe tâm thần ở trẻ chưa được các bậc phụ huynh quan tâm, lưu ý đã dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng. Cuộc sống hiện đại ngày nay càng khiến thực trạng này đáng báo động hơn, nhất là sau giai đoạn trẻ sống trong tình hình dịch Covid-19 kéo dài.

Theo các chuyên gia tâm lý, bác sĩ chuyên khoa, khi trẻ em và trẻ vị thành niên gặp chứng mất ngủ, lo lắng quá mức, mệt mỏi vô cớ, sử dụng thiết bị điện tử, mạng xã hội quá nhiều,…đây đều là những dấu hiệu điển hình, rất dễ nhận biết của việc sức khỏe tâm thần đang có vấn đề, nhưng nhiều phụ huynh nhầm tưởng đó là những biểu hiện sa sút về sức khỏe thể chất khi trẻ đối diện với áp lực học hành, cuộc sống hiện đại.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các rối loạn tâm thần ở trẻ như: áp lực học tập; áp lực khi các bậc phụ huynh quá kỳ vọng vào con cái; những thói quen không lành mạnh như: thức khuya, nghiện game, ít vận động,… “Vòng xoáy” luẩn quẩn này tạo ra những đợt “sóng ngầm” khiến trẻ có thể rơi vào trạng thái trầm cảm nếu không được can thiệp và hỗ trợ kịp thời. Thực tế cho thấy, sau đại dịch Covid-19, số lượng thanh, thiếu niên đến khám tâm lý tại Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh tăng 30%. Ở một đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng này càng trở nên đáng lo ngại khi trẻ hằng ngày phải đối diện với nhiều tác động từ cuộc sống, kể cả môi trường gia đình và xã hội.

Để góp phần hỗ trợ và đồng hành cùng trẻ ở độ tuổi nhạy cảm này, sự vào cuộc kịp thời của gia đình và nhà trường là rất quan trọng. Phụ huynh cần theo dõi giấc ngủ của con em mình để tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp hỗ trợ, khuyến khích con em mình trải lòng để tìm ra giải pháp giải quyết. Thay vì đặt nặng vấn đề thành tích học tập lên trẻ, hãy tạo ra một môi trường học tập thân thiện, thoải mái, lành mạnh để các em có sự trải nghiệm và cân bằng sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Các bậc phụ huynh cần chú trọng vào việc tạo điều kiện cho các em rèn luyện kỹ năng sống để các em tập thích nghi và tự lập với cuộc sống. Đặc biệt, quá trình đồng hành cùng trẻ, các bậc phụ huynh cần để ý đến các dấu hiệu nhận biết của sức khỏe tâm thần nhằm có biện pháp hỗ trợ, can thiệp về tâm lý và can thiệp y tế kịp thời cho trẻ.

Sau đại dịch càng có nhiều yếu tố tác động lên tâm trí của trẻ hơn nên các phụ huynh cần phải hết sức lưu ý quan tâm tới con trẻ, trong đó, những cử chỉ yêu thương, gần gũi sẽ mang lại cho trẻ những chỗ dựa tinh thần quý giá giúp chúng vượt qua những khó khăn trong giai đoạn hậu Covid này. Phụ huynh cũng cần tập trung hướng dẫn để bản thân trẻ xây dựng cho mình thời gian biểu học tập, sinh hoạt, giải trí hợp lý, khoa học; hướng cho trẻ cách tư duy, suy nghĩ tích cực, đồng thời tích cực rèn luyện sức khỏe thể chất để tạo các thói quen lành mạnh trong cuộc sống.