Phối hợp nhịp nhàng khi chợ đầu mối hoạt động trở lại

Từ ngày 7/9, chợ đầu mối Bình Điền mở cửa hoạt động trở lại sau một thời gian tạm đóng để phòng, chống dịch, được kỳ vọng giúp giảm bớt căng thẳng về nguồn cung ứng hàng hóa cho người dân thành phố.

Trước dịch, lượng hàng hóa nông sản, thủy sản được đưa về TP Hồ Chí Minh qua điểm tập kết, trung chuyển này từ 100 đến 150 tấn mỗi đêm. Từ đây, các thương nhân đưa hàng hóa về các hệ thống phân phối, các bếp ăn tập thể và các chợ truyền thống.

Theo yêu cầu của Sở Công thương thành phố, khi các chợ đầu mối mở cửa hoạt động trở lại thì vai trò phối, kết hợp của chính quyền địa phương, nhất là về công tác kiểm tra dịch tễ, giám sát quy định giãn cách tại chợ là rất quan trọng. Ngày 8/9, UBND quận 8 có công văn gửi các đơn vị chức năng trong quận và Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền, đề nghị có trách nhiệm thực hiện phương án xử lý khi có trường hợp mắc Covid-19; bảo đảm thực hiện đầy đủ nguyên tắc 5K theo quy định; bảo đảm việc lập danh sách cụ thể các tiểu thương cho phép hoạt động lại và cần giảm mật độ người khi hoạt động tại chợ… Giao các đơn vị chức năng như phòng y tế, phòng kinh tế, phòng quản lý đô thị cùng Công an quận, UBND phường 7 (nơi chợ Bình Điền hoạt động) tăng cường hỗ trợ Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền trong những ngày chợ mở cửa hoạt động.

Do công tác phòng, chống dịch chưa được bảo đảm, cho nên UBND huyện Hóc Môn đang xem xét một cách thận trọng, chặt chẽ trước khi cho mở cửa hoạt động trở lại chợ đầu mối Hóc Môn. Như vậy, đến thời điểm này đã có hai trong số ba chợ đầu mối đã mở cửa trở lại là chợ đầu mối Thủ Đức và chợ đầu mối Bình Điền với số lượng tiểu thương cho hoạt động chưa tới 1/3 so với trước đây nhằm bảo đảm quy định giãn cách và các biện pháp phòng dịch cao nhất.

Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, việc ngưng hay mở cửa hoạt động của các chợ đầu mối, chợ truyền thống hoàn toàn tùy thuộc vào điều kiện cụ thể; tình hình phòng, chống dịch của từng địa phương. Không chỉ địa phương mà chính quyền thành phố cũng rất mong muốn các chợ truyền thống hoạt động trở lại để bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt người dân. Bước đầu, nếu ba chợ đầu mối tại TP Hồ Chí Minh là Bình Điền, Thủ Đức và Hóc Môn cùng hoạt động trở lại ổn định, bảo đảm nguồn hàng hóa cung ứng đến các điểm bán hàng, các chợ truyền thống thì cơ bản đáp ứng nhu cầu mua sắm lương thực, thực phẩm của người dân. Trước đó, sản lượng hàng hoá của ba chợ này chiếm khoảng 60 đến 70% thị phần các mặt hàng rau, củ, quả; thủy sản, hải sản; thịt gia cầm, gia súc tại thành phố.

Tuy nhiên, với hơn 220 chợ truyền thống chưa hoạt động trở lại, cho nên gần như nhu cầu tiêu dùng, mua sắm hiện nay của người dân đều trông cậy vào lực lượng đi chợ hộ, trong khi các đơn hàng người dân gởi đến quá sức so với lực lượng đi chợ hộ của địa phương. Vì vậy, cùng với việc mở cửa các chợ đầu mối, lộ trình sớm mở cửa các chợ truyền thống cần được thành phố triển khai nhanh hơn nữa.

Việc mở cửa các chợ truyền thống mà một số địa phương đã làm cũng như đề xuất nên theo hình thức cho hoạt động trên các tuyến đường nằm bên hông chợ để tạo sự thông thoáng, bảo đảm thông điệp 5K; tiểu thương kinh doanh đã phải tiêm ít nhất một mũi vắc-xin. Bên cạnh đó, các siêu thị cần phối hợp các hợp tác xã vận tải du lịch tăng cường đưa hàng hóa, nhu yếu phẩm về các khu dân cư bằng các phương tiện xe tải, xe buýt (chuyển đổi tạm công năng) để phân phối cho lực lượng đi chợ hộ tại địa phương trước khi đưa đến từng hộ dân. Kết nối các nhà cung cấp với các cửa hàng kinh doanh ăn uống để có nguồn cung hàng hóa ổn định, qua đó chế biến các suất ăn, bán hàng mang đi (theo quy định mới ban hành của UBND thành phố), đáp ứng cơ bản nhu cầu ăn uống và sinh hoạt hằng ngày của người dân ■