Những lưu ý khi tiêm vắc-xin Covid-19

Từ ngày 19-6, TP Hồ Chí Minh bắt đầu tiêm vắc-xin Covid-19 cho khoảng một triệu người. Ngoài các trường hợp ưu tiên theo Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ, thành phố dự kiến thực hiện tiêm chủng cho người cung cấp dịch vụ thiết yếu, giáo viên, người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính, người hơn 65 tuổi, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất… Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở Y tế thành phố khuyến cáo người dân lưu ý một số điều trước và sau khi tiêm vắc-xin Covid-19. 

Trước khi đến điểm tiêm chủng, người dân cần mang theo CMND, căn cước công dân hoặc thẻ bảo hiểm y tế, sổ khám bệnh, giấy ra viện, đơn thuốc, phiếu tiêm các vắc-xin khác… sử dụng trong thời gian gần đây (nếu có). Trong suốt quá trình từ nhà đến địa điểm tiêm và khi tiêm, cần tuân thủ thông điệp 5K. Ngoài ra, người dân nên tải ứng dụng sổ sức khỏe điện tử trên điện thoại và khai báo các thông tin cần thiết.

Khi tới điểm tiêm, người dân có trách nhiệm chủ động thông báo cho cán bộ y tế các thông tin như tình trạng sức khỏe hiện tại, bệnh lý mãn tính đang mắc phải hoặc điều trị, loại thuốc, liệu trình điều trị đã hoặc đang sử dụng gần đây, từng mắc Covid-19 hay chưa, các loại vắc-xin tiêm hoặc uống trong vòng 14 ngày qua, đang mang thai hoặc nuôi con bú hay không.

Cần thông báo với cán bộ y tế nếu có tiền sử dị ứng hoặc phản vệ với bất kỳ tác nhân nào. Nếu tiêm mũi vắc-xin thứ hai, người tiêm phải thông báo các phản ứng của cơ thể trong lần tiêm chủng đầu tiên. Ngoài ra, người dân nên chủ động tìm hiểu và hỏi cán bộ y tế về loại vắc-xin được tiêm, lịch tiêm mũi tiếp theo, các dấu hiệu có thể xuất hiện và cách xử lý, cơ sở y tế và số điện thoại liên hệ trong trường hợp khẩn cấp.

Sau khi tiêm chủng, người tiêm nên ở lại điểm tiêm chủng 30 phút để được cán bộ y tế theo dõi, phát hiện sớm các phản ứng, tác dụng phụ. Khi về nhà, nơi làm việc, người tiêm nên chủ động theo dõi sức khỏe của bản thân trong vòng ba tuần sau đó. Ngoài ra, giấy xác nhận tiêm vắc-xin phòng ngừa Covid-19 nên giữ lại. Một số dấu hiệu thông thường sau tiêm vắc-xin Covid-19 như sốt, mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp, tăng cảm giác đau, ngứa, sưng, đỏ, đau tại chỗ tiêm, bồn chồn… Đây là các phản ứng thông thường, cho biết cơ thể đang tạo ra miễn dịch phòng Covid-19. Tuy nhiên, theo Sở Y tế thành phố, không gặp tác dụng phụ cũng không có nghĩa là vắc-xin kém hiệu quả. Mỗi người sẽ có phản ứng khác nhau sau khi tiêm vắc-xin. Trường hợp sau khi tiêm vắc-xin Covid-19, nếu gặp phải các dấu hiệu nghiêm trọng hoặc bất thường, ngoài một số dấu hiệu thông thường nêu trên, người tiêm cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và xử trí kịp thời. 

Người tiêm chủng không được tự ý bỏ về trước khi kết thúc theo dõi 30 phút tại cơ sở tiêm chủng, không tự điều khiển phương tiện giao thông cá nhân khi thấy không khỏe sau tiêm, không bôi, đắp thuốc hoặc bất cứ thứ gì lên vết tiêm. Ít nhất 12 đến 14 ngày sau khi tiêm mũi đầu tiên, cơ thể mới bước đầu sinh kháng thể. Sau tiêm mũi thứ hai vắc-xin đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu từ một tháng trở lên. Sau khi tiêm chủng vẫn có nguy cơ lây nhiễm. Do đó, người dân cần tuân thủ các biện pháp phòng dịch đúng theo hướng dẫn của bác sĩ để vắc-xin phòng ngừa Covid-19 đạt hiệu quả tốt nhất.