Nghiêm trị hành vi phớt lờ quy định phòng, chống dịch

Thành phố Hồ Chí Minh đang trong những ngày cao điểm của tình trạng bùng phát và lây lan dịch ra cộng đồng.

Ðây được xem là đợt dịch nguy hiểm nhất kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở thành phố. Sau gần một tháng triển khai mạnh mẽ các giải pháp chống dịch, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố, cơ quan chức năng và nhân dân vẫn đang tiếp tục quyết liệt để sớm khống chế, đẩy lùi dịch bệnh.

Thế nhưng, trong bối cảnh thành phố đang nỗ lực từng ngày, từng giờ chống dịch; hầu hết người dân, cơ sở chấp hành nghiêm việc giãn cách xã hội thì lại có một số người không chấp hành, thiếu nghiêm túc, một số nơi lén lút tổ chức buôn bán, tụ tập đông người, không ít người lại có những hành động thiếu hợp tác, đồng hành với cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp.

Từ thời điểm bùng phát dịch trở lại, thành phố đã quyết liệt thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, một số khu vực bùng phát ổ dịch thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ và mới đây thành phố ban hành Chỉ thị 10 nâng cấp các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nhằm tập trung quyết liệt ngăn chặn, khống chế sự lây lan của dịch ra cộng đồng.

Tuy nhiên, hiện nay, tại nhiều địa điểm công cộng như bờ sông, công viên, vỉa hè, nhiều người vẫn vô tư tụ tập quá số lượng quy định để nói chuyện, trao đổi; nhất là vẫn còn tình trạng một số người lái xe ôm công nghệ, shipper (người giao hàng) tụ tập nói chuyện.

Các cửa hàng bán mang về cũng thường xuyên tiếp các shipper với số lượng từ vài người đến cả chục tài xế đứng chờ. Trong thời gian chờ đợi, các shipper lại tranh thủ tụ tập trò chuyện với nhau tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ðáng phê phán là nhiều người vẫn chủ quan không mang hoặc mang khẩu trang chỉ để đối phó.

Ðể thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 10 của UBND thành phố một cách nghiêm túc, chính quyền địa phương cần thực hiện các giải pháp quyết liệt đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm. Ðối với những trường hợp sau khi đã nhắc nhở vẫn tái phạm, cần phải có chế tài nghiêm khắc để xử lý.

Ngoài phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với cá nhân, từ 20 đến 40 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi không tuân thủ quy định về phòng, chống dịch Covid-19 cần áp dụng xử lý hình sự, nhất là các trường hợp chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ cố tình hoạt động trong bối cảnh dịch đang căng thẳng.

Tại các địa phương, lực lượng chức năng cần tăng cường thường xuyên tuần tra, kiểm tra, nhắc nhở người dân có biểu hiện lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch. Ngoài ra, tại các khu phố, ấp, địa phương cần phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo của cấp ủy cấp cơ sở và chi bộ, nhất là ở khu dân cư; nêu cao vai trò gương mẫu, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong công tác phòng, chống dịch; phải gương mẫu, đi đầu, đồng thời vận động được người thân, gia đình, làng xóm trong việc thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, xác định công tác phòng dịch là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời điểm hiện nay.

Sở Thông tin và Truyền thông thành phố vừa đưa Cổng thông tin 1022 (gọi điện tổng đài 1022, ứng dụng trên điện thoại Tổng đài 1022, website 1022.tphcm.gov.vn, thư điện tử 1022@tphcm.gov.vn, trang mạng cộng đồng facebook (fanpage)) để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh vi phạm về phòng, chống dịch Covid-19.

Ðây là một kênh hữu hiệu để người dân phản ánh kịp thời các vi phạm, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch để sớm đẩy lùi dịch bệnh và trở lại với cuộc sống bình thường mới.

XUÂN PHÚ