Ngăn chặn “tín dụng đen”

Dù các cơ quan chức năng thành phố Hồ Chí Minh tích cực đấu tranh triệt phá và xử lý vi phạm, nhưng tình trạng “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi vẫn đang len lỏi mọi ngõ ngách, hoạt động tinh vi và ngày càng nguy hiểm hơn, gây nhiều hệ lụy cho người dân và tình hình an ninh, trật tự xã hội.

Do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, nhiều người dân giảm thu nhập, đời sống khó khăn, không biết xoay xở vay mượn ở đâu đành phải tìm đến các đối tượng, tổ chức “tín dụng đen” dù biết lãi suất rất cao, có khi lên tới 300%, thậm chí 1.000%/năm. Với những giải pháp công nghệ, người dân dễ dàng tiếp cận các loại hình cho vay thông dụng như: Vay qua trang web hoặc vay qua app mà ngân hàng gọi là cho vay ngang hàng (P2P Lending).

Theo ghi nhận của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), từ đầu năm 2022 đến nay đã có hơn 2.624 người báo cáo lừa đảo qua website: canhbao.ncsc.gov.vn. Trong đó, số người phản ánh về các app liên quan tới hoạt động “tín dụng đen” chiếm 30%. Ngoài ra, “tín dụng đen” còn núp bóng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính… với thủ tục vay rất đơn giản chỉ cần chụp căn cước công dân, chứng minh nhân dân hoặc hộ khẩu.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động “tín dụng đen”, giữa người cho vay với người đi vay thường xảy ra mâu thuẫn dẫn đến hiện tượng đòi nợ thuê; “bôi nhọ” danh dự; cố ý gây thương tích; cưỡng đoạt tài sản… khiến không ít người mất nhà, cuộc sống gia đình điêu đứng. Thống kê trong khoảng một năm qua, thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận, phát hiện 381 vụ việc liên quan đến tín dụng đen. Trong đó, công an thành phố đã khởi tố 112 vụ, 268 bị can.

Những vụ cho vay nặng lãi gây phức tạp về tình hình an ninh trật tự, có đến 1.316 lượt đổ chất bẩn, chất thải xác định có mâu thuẫn bắt nguồn từ hoạt động cho vay nặng lãi. Mới đây, trong buổi gặp gỡ đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với công nhân, lao động năm 2022, có một số ý kiến bày tỏ lo lắng về vấn nạn tín dụng đen ảnh hưởng rất lớn đến công nhân và doanh nghiệp. Trong kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV vừa qua, nhiều cử tri cũng phản ánh nạn tín dụng đen đang hoành hành, cần phải có giải pháp ngăn chặn.

Để đẩy lùi tín dụng đen, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019, trong đó giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành triển khai các giải pháp hạn chế “tín dụng đen”. Theo đánh giá của UBND thành phố Hồ Chí Minh, triển khai Chỉ thị số 12/CT-TTg, công an thành phố đã thực hiện các biện pháp nghiệp vụ mang lại hiệu quả rõ rệt trong công tác điều tra, đề nghị truy tố, ngành tòa án xét xử các vụ án liên quan đến hoạt động "tín dụng đen” đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua đó, tỷ lệ án được truy tố, xét xử tăng. Việc đấu tranh, xử lý các đối tượng này đã đánh trúng, đánh mạnh vào hoạt động phạm tội cho vay lãi nặng, phát hiện ngay từ sớm, không để phát sinh tội phạm khác liên quan tín dụng đen.

Một trong những giải pháp quan trọng hiện nay là tạo điều kiện để người dân thuận lợi tiếp cận vốn vay ngân hàng. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành thông tư cho vay của tổ chức tín dụng, trong đó có quy định về cho khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống; chỉ đạo các tổ chức tín dụng đa dạng hóa sản phẩm, triển khai các chính sách cho vay ở vùng sâu, vùng xa.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đang rà soát, sửa đổi, ban hành thông tư riêng về tín dụng của công ty tài chính, trong đó nêu rõ về các quy định về đòi nợ, lãi suất. Đồng thời, chú trọng công tác truyền thông để người dân hiểu được các chính sách tín dụng của Nhà nước, tín dụng cho hộ nghèo, đối tượng chính sách… Cùng với những nỗ lực của các bộ, ban, ngành và cơ quan chức năng, điều quan trọng nhất là người dân nên tỉnh táo và thận trọng trước những cạm bẫy của tín dụng đen để tránh những hệ lụy khôn lường.