Nâng cao ý thức cho ngày “bình thường mới”

Tính đến cuối tháng 9 này, thành phố tròn bốn tháng (từ 31/5) thực hiện giãn cách xã hội theo từng mức độ khác nhau để phòng, chống dịch Covid-19.

Làn sóng dịch thứ 4 với biến chủng Delta, tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm đã biến TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố phía nam thành tâm dịch của cả nước.

Dù ít hay nhiều, bất cứ người dân nào cũng đã “ngấm” sự tác động khủng khiếp của dịch Covid-19 lên đời sống kinh tế, xã hội. Hàng trăm nghìn công nhân trong các doanh nghiệp (DN) phải tạm nghỉ việc không lương. 24 nghìn DN phải tạm ngừng hoạt động. Hàng trăm nghìn đối tượng, người dân thành phố phải cần đến các gói an sinh xã hội trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Trung ương, thành phố đã phải chi một nguồn ngân sách lớn để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch. Đội ngũ y, bác sĩ, các lực lượng suốt nhiều tháng liền căng mình chống dịch nơi tuyến đầu. Những đau thương, mất mát về người là không thể đong đếm khi nhiều gia đình mất đi người thân trong đại dịch này;...

Vượt lên những tổn thất, đau thương đó, hệ thống chính quyền, các lực lượng, nhân dân vẫn đang ngày đêm nỗ lực để từng bước đưa đời sống, hoạt động kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường mới. Trong chương trình đó, song song với nhiệm vụ tiếp tục phòng, chống dịch, thành phố đã triển khai một số giải pháp thận trọng để từng bước thích nghi an toàn với dịch bệnh.

Đầu tiên là thí điểm ở một số địa phương cơ bản đã kiểm soát được dịch (quận 7, huyện Củ Chi và Cần Giờ); thí điểm việc ứng dụng “thẻ xanh” đối với người dân đã tiêm vắc-xin; nới lỏng các hoạt động buôn bán, giao hàng;... để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất,... của người dân, DN sau thời gian dài “đông cứng” vì dịch bệnh.

Nới lỏng từng bước để “bình thường mới” là một tín hiệu vui cho thấy công tác phòng, chống dịch của thành phố đã đạt được những kết quả lạc quan; đồng thời cũng là nhu cầu bức thiết của người dân, xã hội. Tuy nhiên, trong niềm vui đó sẽ không có chỗ cho những hành động vô ý thức trong bối cảnh nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn luôn hiện diện trong cộng đồng.

Thời gian qua, tình trạng tụ tập, sinh hoạt trong khu dân cư, cộng đồng dẫn đến nhiều nơi đang từ “vùng xanh” chuyển sang “vùng đỏ” từng là một trong những nguyên nhân khiến việc dịch lây lan nhanh trong cộng đồng vẫn là một bài học còn nóng hổi về ý thức của người dân trong phòng, chống dịch. Tính đến thời điểm hiện tại, thành phố vẫn còn gần một tuần nữa mới hết thời gian giãn cách xã hội, nhưng những ngày qua, trên đường phố, nhiều người dân đã “vô tư” đi lại. Nhìn vào cũng dễ thấy ngay, nhiều người đã ra đường vì nghĩ dịch không còn nguy hiểm; ra đường với muôn vàn lý do khác nhau nhưng nhiều trong số đó đều không “thật sự cấp thiết” như thành phố, ngành y tế đã khuyến cáo. Suy nghĩ đó, hành động đó của không ít người có thể khiến tình trạng giãn cách xã hội sẽ phải kéo dài thêm khi mà các chỉ số về kiểm soát dịch của thành phố vẫn chưa chạm ngưỡng an toàn. Bao nhiêu thiệt hại về tài chính, công sức, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội khi đó sẽ là rất khó đong đếm.

Gần bốn tháng qua, các lực lượng tuyến đầu cũng đã gần như cạn kiệt năng lượng khi tình trạng quá tải bệnh nhân Covid-19; hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ các đơn vị, địa phương đã không có lấy một ngày nghỉ để hướng đến mục tiêu khống chế, đẩy lùi dịch bệnh; nhiều nguồn lực khác từ ngân sách, con người cũng đều có giới hạn nên việc nâng cao ý thức phòng, chống dịch trong cộng đồng sẽ là một trong các giải pháp hiệu quả để cùng thành phố quyết tâm sớm đẩy lùi dịch bệnh và thực hiện các kế hoạch, hoạt động vốn bị đình trệ, tạm ngưng vì dịch Covid-19 suốt thời gian qua n