Nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người lao động

Người lao động là tài sản quý của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hoạt động ổn định, phát triển. Ðối với thành phố, người lao động là lực lượng đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững, ổn định. Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, sự biến động về nguồn nhân lực đã khiến hàng loạt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất rơi vào cảnh thiếu lao động trầm trọng, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, hoàn thành đơn hàng.

Nhiều năm qua, các cuộc ngừng việc tập thể hay tranh chấp lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động chủ yếu xoay quanh các vấn đề như: Hợp đồng lao động, chế độ chính sách khi nghỉ việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... Người lao động tại các doanh nghiệp vẫn chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để có thể tự bảo vệ mình trước những rủi ro trong quá trình thực hiện mối quan hệ lao động với giới chủ cũng như trong đời sống hằng ngày.

Ngoài thiếu kiến thức về pháp luật, người lao động nói chung còn hạn chế trong nhìn nhận và hành xử khi xảy ra các vấn đề liên quan quyền lợi và trách nhiệm của mình tại doanh nghiệp. Tại nhiều doanh nghiệp, đội ngũ nhân sự dù đã nỗ lực tuyên truyền thông tin, kiến thức, kỹ năng cần thiết cho người lao động nhưng có thể nói, độ phủ còn rất hạn chế trong môi trường làm việc đông công nhân.

Ðối với các công nhân, người lao động, thời gian mỗi ngày của họ diễn ra chủ yếu trên công xưởng và sinh hoạt tại phòng trọ. Làm thế nào để trong môi trường hạn chế điều kiện tìm hiểu kiến thức, nâng cao kỹ năng đó, người lao động vẫn có cơ hội được lĩnh hội kiến thức cần thiết phục vụ cuộc sống, công việc là bài toán cần được công đoàn các cấp, các cơ quan chức năng sớm có giải pháp mang tính dài hạn và hiệu quả.

Mới đây, chúng tôi được chứng kiến cách tuyên truyền kiến thức pháp luật rất hay do Liên đoàn Lao động quận Bình Thạnh phối hợp Phòng Tư pháp và Hội Luật gia quận tổ chức. Theo đó, các đơn vị này thay vì tổ chức chỉ đọc đơn thuần các kiến thức pháp luật, họ đã lồng ghép kiến thức thông qua hình thức sân khấu hóa để người lao động hiểu rõ hơn các vấn đề thường xảy ra tại doanh nghiệp, nhất là các vấn đề về pháp lý. Những người tham dự buổi tuyên truyền đều công nhận họ đã có được những hiểu biết nhất định về pháp luật.

Một cách làm hiệu quả, dễ nhớ, dễ thuộc như thế cần được các đơn vị triển khai thường xuyên hơn. Ðó cũng là cách để nâng cao sự chủ động cho người lao động trong vô vàn vấn đề họ có thể gặp phải trong quá trình làm việc tại doanh nghiệp.

Không thể phủ nhận nỗ lực của đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp trong việc hỗ trợ, sâu sát với người lao động tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, với số lượng người lao động lên tới hàng trăm nghìn người như hiện nay, mức độ bao phủ chắc chắn sẽ luôn là một thách thức đối với đội ngũ cán bộ công đoàn.

Trong thời đại công nghệ số hiện nay, ứng dụng công nghệ để lan tỏa, tuyên truyền các kiến thức pháp luật, kỹ năng sống cho người lao động là một giải pháp hữu hiệu nếu được thực hiện đúng cách và bài bản. Người lao động có thể từ chối một hội nghị tuyên truyền tại phòng họp nhưng họ sẽ không bỏ qua một clip hay về kỹ năng sống, kiến thức về pháp luật mang lại những điều bổ ích trong cuộc sống.

Thực tế này đòi hỏi công đoàn các cấp, các cơ quan chức năng cần chú tâm xây dựng, triển khai các chương trình, giải pháp hiệu quả thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thành lập những trang web với hình thức phong phú, đa dạng, thu hút và đáp ứng được nhu cầu của người lao động...

XUÂN PHÚ