Kịp thời tháo gỡ, giải quyết bất cập, khó khăn

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện thành phố có hơn 113.600 ha đất nông nghiệp, chiếm hơn 54,2% tổng diện tích đất tự nhiên của toàn thành phố. Lĩnh vực nông nghiệp của thành phố hiện thu hút khoảng 50 nghìn người lao động đang làm việc.

Phần lớn sản phẩm nông nghiệp sản xuất được tiêu thụ tại thành phố và một số sản phẩm xuất khẩu. Ðến nay, thành phố có 56/56 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao; có 5/5 huyện đạt 9/9 tiêu chí, trong đó, có bốn huyện đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới…

Ngành nông nghiệp thành phố đã, đang chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao. Tuy vậy, hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng đang phát sinh nhiều trở ngại, vướng mắc, chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế. Thực tế ở các vùng ngoại thành còn khá nhiều hộ dân có đất nông nghiệp đang được canh tác nhưng không thể lập dự án để vay vốn mở rộng sản xuất, vì diện tích đất không nằm trong khu vực quy hoạch sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, việc xây dựng các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp như nhà màng, nhà lưới, nhà ở tạm (vừa ở tạm vừa làm nhà kho để cất giữ dụng cụ, vật tư sản xuất)… cũng gặp rất nhiều vướng mắc, khó khăn về thủ tục xây dựng.

Thực tế cho thấy nhiều bất cập, vướng mắc trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ở thành phố đã phát sinh, tồn tại từ nhiều năm nay nhưng chưa được các cấp chính quyền, cơ quan chức năng quan tâm giải quyết kịp thời, xử lý rốt ráo. Chẳng hạn, Luật Ðất đai đã cho phép người dân được xây dựng công trình phụ trợ để phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhưng vì để phòng ngừa tình trạng phân lô bán nền nên chính quyền cơ sở lẫn cơ quan quản lý chức năng thường lựa chọn cách giải quyết an toàn cho mình, thiếu sâu sát thực tế ở cơ sở, đẩy cái khó về phía người dân.

Trong khi đó, nếu cán bộ cơ sở nắm chắc địa bàn thì chắc chắn sẽ biết ai là người nông dân thật sự gắn bó với sản xuất nông nghiệp, còn ai là người đầu cơ đất đai hoặc ai là người lợi dụng kẽ hở của luật pháp để trục lợi bất động sản. Và như vậy, cần nâng cao trách nhiệm của cán bộ thừa hành trong việc xác định người nông dân đúng nghĩa, người sẽ xây dựng và sử dụng công trình trên đất nông nghiệp đúng mục đích. Bên cạnh đó, các cơ quan và đơn vị liên quan cần triển khai các hoạt động hỗ trợ nông dân như: Nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả và thu nhập cao, nhất là các mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp chủ lực; liên kết nông dân với ba nhà (nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và ngân hàng) để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ðồng thời, vận động, hỗ trợ nông dân tích cực, chủ động tìm hiểu, mạnh dạn xây dựng phương án sản xuất có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm, thân thiện môi trường.

Cùng với đó, kịp thời sơ kết, tổng kết những chính sách đã ban hành để có đánh giá, phân tích việc làm được, chưa được để có hướng điều chỉnh hoặc kiến nghị trung ương xem xét điều chỉnh cơ chế, chính sách về quy hoạch, xây dựng, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đô thị. Các cơ quan, đơn vị liên quan, chính quyền cơ sở cần tăng cường nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, hội viên nông dân để biết rõ những khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo, đề xuất lãnh đạo thành phố tháo gỡ, giải quyết.