Không để lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung

Số ca mắc Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn tăng cao mỗi ngày, kéo theo đó, số người cách ly tập trung ngày càng nhiều hơn. Việc bảo đảm an toàn trong khu cách ly, khu điều trị Covid-19 luôn là nhiệm vụ quan trọng nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm chéo, dẫn đến hình thành ổ dịch ở chính nơi cách ly. 

Mới đây một bệnh nhân nhiễm Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện điều trị Covid-19 Thủ Đức đã trốn viện để về nhà riêng tại quận Tân Phú. Dù chỉ hơn bốn giờ sau đó, bệnh nhân được lực lượng chức năng đưa về lại nơi điều trị nhưng qua sự việc nêu trên cho thấy, công tác bảo đảm an toàn tại nơi các khu cách ly, nơi điều trị Covid-19 cần phải được siết chặt hơn. Hiện thành phố có hơn ba nghìn bệnh nhân đang điều trị Covid-19, có hơn 40 nghìn người đang thực hiện cách ly. Trong đó, hơn 13 nghìn người cách ly tập trung và gần 28 nghìn trường hợp đang cách tại nhà, nơi lưu trú. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh ngày 29/6, thành phố hiện có bốn trường hợp mắc Covid-19 do lây nhiễm tại khu cách ly. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến lây nhiễm tại các khu cách ly tập trung như do điều kiện nơi cách ly chưa bảo đảm, công tác quản lý chưa chặt chẽ, nhất là ý thức của người cách ly còn kém… Một số khu cách ly trên địa bàn thành phố hiện nay vẫn chưa có không gian sinh hoạt, vệ sinh riêng cho người cách ly, vì thế việc sử dụng chung nhà vệ sinh sẽ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm tại môi trường này tăng cao. Trong chuyến làm việc tại TP Hồ Chí Minh mới đây, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, không để khu cách ly tập trung trở thành nơi có nguy cơ lây nhiễm. 

Để thực hiện được điều này, thành phố cần xây dựng cơ sở cách ly tập trung thật sự an toàn, tuyệt đối không để người thực hiện cách ly tham gia sinh hoạt trong không gian chung từ chỗ nghỉ đến khu nhà vệ sinh. Sắp tới thành phố sẽ từng bước chuyển dần người đang cách ly tại các trường học sang cơ sở khác bảo đảm an toàn hơn, vì khi sử dụng trường học làm khu cách ly sẽ khó bảo đảm an toàn khi nơi này không có nhà vệ sinh riêng cho từng phòng cách ly. Song song đó, thành phố cũng đang mở rộng hình thức cách ly tại nơi lưu trú có trả phí, cách ly F1 tại nhà nhằm góp phần giảm tải cho các khu cách lây tập trung. 

Ngoài ra, để hạn chế việc tiếp xúc lẫn nhau tại khu cách ly, thành phố cần chú ý đến tâm lý người phải cách ly, cần có biện pháp để người cách ly có tâm lý thoải mái, không bức bối. Nơi cách ly được trang bị wifi để người cách ly truy cập nắm được thông tin truyền thông, thỏa mãn nhu cầu giải trí; tránh để trường hợp người cách ly không có điều kiện giải trí dẫn đến tụ tập gây ra hiện tượng lây nhiễm chéo. Đồng thời, công tác giám sát, an ninh tại các khu cách ly, khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nhẹ cần phải được tăng cường, siết chặt hơn nhằm tránh xảy ra những trường hợp “vượt rào”, người cách ly tiếp xúc với nhau. Và điều quan trọng nhất chính là ý thức của người tham gia cách ly phải được nâng lên, để họ hiểu rằng thực hiện đúng quy định nơi cách ly cũng chính là bảo vệ cho bản thân và cho cả cộng đồng.