Khắc phục tình trạng đầu tư công dàn trải, lãng phí

Kế hoạch đầu tư công năm 2021 và trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 bằng nguồn vốn ngân sách địa phương của TP Hồ Chí Minh vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 3 Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố khóa X cho thấy sự quyết tâm của chính quyền thành phố nhằm khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả; tập trung vào những dự án cấp bách, cần vốn và "khát" vốn để… sớm về đích.

Nhắc lại các dự án hạ tầng giao thông "bất động" nhiều năm qua như dự án xây dựng cầu Tăng Long, Nam Lý, Ông Nhiêu nằm trên địa bàn TP Thủ Đức, nhiều đại biểu HĐND bày tỏ sự mong mỏi chính quyền thành phố, các đơn vị, chủ đầu tư cần xem đây là bài học vì mỗi dự án đều hao tốn ngân sách hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng nhưng vẫn nằm chờ. Nguyên nhân chậm trễ của các dự án này không chỉ vướng mắc từ công tác đền bù, giải tỏa mà còn có nguyên nhân từ năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án và sự phối hợp của chính quyền địa phương với các sở, ngành liên quan…

Kết quả giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách địa phương của thành phố tính đến đầu tháng 10/2021 tỷ lệ đạt rất thấp, chỉ đạt 34% tổng nguồn vốn được giao. Lý giải kết quả này, chính quyền thành phố cho rằng có nhiều khó khăn, vướng mắc trong giải ngân đối với vốn đầu tư trong nước như giá nguyên vật liệu tăng cao đột biến làm ảnh hưởng đến việc lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng, thực hiện các hợp đồng xây dựng. Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bàn giao mặt bằng thi công còn chậm do tác động của dịch Covid-19 không thể tổ chức tập trung lấy ý kiến người dân. Đối với dự án sử dụng vốn ODA, nguyên nhân chính do tác động của dịch Covid-19, việc nhập khẩu máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát… đều bị ảnh hưởng, làm chậm tiến độ các dự án.

Để bảo đảm tỷ lệ giải ngân của từng dự án đến hết năm 2021 đạt 95% trở lên, UBND thành phố cam kết sẽ điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2021 nhằm bổ sung vốn cho các dự án cấp bách, có khả năng giải ngân nhanh, đáp ứng công tác phòng, chống dịch Covid-19, góp phần tích cực vào quá trình mở cửa lại và phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh. Cụ thể, UBND thành phố đề nghị điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2021 nguồn vốn ngân sách từ 31.976 tỷ đồng xuống còn gần 29.271 tỷ đồng. Trong đó, điều chỉnh giảm vốn (hơn 6.444 tỷ đồng) đã giao đối với các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, chậm triển khai hoặc gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Thay vào đó, thành phố sẽ bổ sung vốn cho các dự án quan trọng, các dự án có tỷ lệ giải ngân tốt nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng; bổ sung kinh phí bồi thường để chi trả hỗ trợ, tái định cư cho người dân một cách đồng bộ và kịp thời; các dự án xây dựng trường mầm non, đầu tư hạ tầng kỹ thuật mang tính cấp bách.

Nhiều ý kiến của chuyên gia, đơn vị quản lý cho rằng, trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư công ngân sách địa phương của thành phố còn hạn hẹp, chưa thể đáp ứng cho các dự án trọng điểm thành phố cần thích ứng linh hoạt, chủ động vận dụng các chủ trương, chính sách trên cơ sở luật định để dẫn dắt, kích hoạt, huy động các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước. Đẩy mạnh hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng chiến lược, vận động các nguồn lực xã hội tham gia vào các lĩnh vực phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của thành phố phù hợp các quy định của pháp luật hiện hành, tận dụng cao nhất các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội. Thành phố cần bố trí vốn tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, khắc phục triệt để tình trạng phân tán, dàn trải, kéo dài; giảm tối đa các dự án khởi công mới và kiểm soát chặt chẽ thời gian bố trí vốn hoàn thành dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công. Thực hiện rà soát quỹ đất công do các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố quản lý, trường hợp không có nhu cầu tiếp tục sử dụng, xây dựng phương án bán đấu giá để bổ sung nguồn thu cho ngân sách thành phố…