Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh

Sau bốn tháng giãn cách xã hội với các cấp độ khác nhau để phòng, chống dịch Covid-19, TP Hồ Chí Minh có 99% số doanh nghiệp không hoạt động. Hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh để góp phần phát triển kinh tế-xã hội thành phố là yêu cầu bức thiết hiện nay.

Theo thống kê của Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh (HEPZA), hiện có gần 96% số doanh nghiệp tại 17 khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đã hoạt động trở lại sau hơn một tháng nới lỏng giãn cách. Đây là tín hiệu đáng mừng, nhưng các doanh nghiệp thuộc HEPZA mới chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn gặp nhiều khó khăn.

Dự báo, khoảng 20% số doanh nghiệp của thành phố có thể tự khởi động lại, không cần hỗ trợ, nhưng có tới 80% số doanh nghiệp cần hỗ trợ của Nhà nước mới đủ vốn lưu động với mức bình quân cho vay khoảng 5 tỷ đồng mỗi doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp thành phố cần nguồn vốn rất lớn để hoạt động trở lại.

Ngay khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Nhà nước đã sớm ban hành các gói hỗ trợ doanh nghiệp như miễn, giảm lãi suất, giãn, khoanh nợ khoản vay; hay miễn, giảm, giãn thu thuế, lệ phí, tiền thuê đất… Trên thực tế, việc triển khai các gói hỗ trợ này vẫn còn khá nhiều vướng mắc cho nên chưa phát huy hiệu quả như mong muốn.

Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH ngày 20/10/2021 về một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu tác động của dịch Covid-19, trong đó, thực hiện giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019. Theo phản hồi của các doanh nghiệp, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp không có ý nghĩa gì đối với phần lớn doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh vừa phải “đóng băng” hoạt động trong dịch Covid-19 vừa qua.

Trước đó, ngày 9/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Nghị quyết này được xem là “cứu cánh” cho các doanh nghiệp giải quyết những khó khăn gặp phải. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nhận thấy vẫn còn một số hạn chế trong khâu thực thi chính sách. Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được với một số chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, cho vay ưu đãi còn thấp do thủ tục còn phức tạp, một số điều kiện chưa phù hợp.

Việc Nhà nước ban hành các gói hỗ trợ, trong đó có các giải pháp tín dụng, được doanh nghiệp rất hoan nghênh, chờ đợi. Tuy nhiên, các gói hỗ trợ chưa đạt hiệu quả vì các quy định chưa bao quát, đầy đủ, chưa phân loại được từng đối tượng doanh nghiệp gặp khó khăn.

Phần lớn doanh nghiệp khó tiếp cận được các gói hỗ trợ lãi suất bởi quy định ngặt nghèo của Luật Các tổ chức tín dụng như: Doanh nghiệp không có nợ xấu; có hồ sơ chứng minh được doanh thu, lợi nhuận trong thời gian gần nhất… Trong khi đó, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp giảm doanh thu, lợi nhuận, thậm chí thua lỗ, không còn tài sản thế chấp. Do đó, chính sách hỗ trợ cần phân chia những nhóm đối tượng khó khăn thì chính sách mới phát huy hiệu quả…

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để giải quyết tình trạng “khát vốn” của các doanh nghiệp sau đại dịch, Chính phủ cần có một Quỹ bảo lãnh tín dụng để giải quyết bài toán thiếu vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Liên minh Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính lập quỹ Bảo lãnh cho vay doanh nghiệp SME với mức 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ, bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp mà không cần tài sản bảo đảm. Doanh nghiệp chỉ cần chứng minh hoạt động tốt trước dịch, có hợp đồng xuất, nhập khẩu hàng hóa thì có thể tiếp cận nguồn vốn.

TP Hồ Chí Minh cũng cần có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt và thực chất để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, thành phố phối hợp doanh nghiệp chủ động nghiên cứu, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh của thành phố và điều kiện thực tế của doanh nghiệp. Đồng thời, khẩn trương rà soát, sửa đổi điều kiện, quy trình, thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong vay vốn ưu đãi, giãn thu thuế, miễn các khoản phí… giúp doanh nghiệp phục hồi trở lại ■