Hiểu rõ quyền lợi khi tham gia Bảo hiểm xã hội

Theo thống kê của cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố, người lao động chọn hưởng BHXH một lần có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Trong ba tháng giãn cách xã hội (tháng 7, 8, 9), số hồ sơ giải quyết BHXH một lần là 14.091 hồ sơ, bình quân mỗi tháng giải quyết 4.700 hồ sơ. Đến tháng 10, số hồ sơ giải quyết là hơn 9.000 hồ sơ (chiếm gần 64% so với lượng hồ sơ của ba tháng 7, 8, 9 cộng lại). Tháng 11, số hồ sơ giải quyết tiếp tục tăng lên với hơn 12.500 hồ sơ, tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ của năm 2020. Nguyên nhân số trường hợp nhận BHXH một lần tăng nhanh do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 khiến nguồn thu nhập của người lao động bị giảm sút, chưa kể có nhiều trường hợp bị mất việc, hoãn việc, giãn việc gần như mất hẳn nguồn thu nhập. Ngoài ra, một thực tế tồn tại nhiều năm qua, đó là người lao động có thói quen nhận BHXH một lần sau nghỉ việc và họ xem đây là “nguồn thu nhập” mà chưa xem đó là nguồn tài chính tích lũy khi về già.

Với một thị trường tập trung nguồn lực lao động lớn nhất cả nước như TP Hồ Chí Minh, rõ ràng tình trạng nhận BHXH một lần có xu hướng gia tăng là vấn đề đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động cũng như nỗ lực và quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc bảo đảm an sinh xã hội, hướng tới “mục tiêu BHXH toàn dân”. Do đó, công tác tuyên truyền của các cấp, các ngành, đoàn thể bằng nhiều hình thức đến với người lao động trong việc tham gia BHXH, để họ nhận biết đúng đắn về quyền lợi khi tham gia BHXH, đặc biệt là những chính sách thiết thực hỗ trợ người lao động yên tâm bám trụ thành phố, duy trì việc làm thật sự cần thiết trong và sau dịch Covid-19. 

Để bảo đảm thu hút người lao động tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, hạn chế rút BHXH một lần sau dịch Covid-19, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố phối hợp BHXH thành phố tổ chức nhiều đợt tập huấn về việc cài app trên điện thoại để người lao động tiện theo dõi lộ trình tham gia đóng, hưởng BHXH của mình. LĐLĐ thành phố cũng thực hiện nhiều chương trình đồng hành để quan tâm, chia sẻ với người lao động trong và sau thời gian dịch bệnh như thành lập nhiều nghiệp đoàn để tổ chức tuyên truyền, vận động người lao động tham gia BHXH tự nguyện, tăng cường các chương trình bình ổn thị trường, đưa hàng hóa thiết yếu đến người lao động khó khăn...

Một thực tế diễn ra là sau dịch Covid-19 xuất hiện gia tăng tình trạng bán sổ BHXH, đặc biệt là đối với người lao động quyết định về quê tránh dịch và tìm việc làm mưu sinh. Do đó, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để giám sát, ngăn chặn kịp thời, giúp người lao động hiểu rõ hơn về sự cần thiết của BHXH. Đặc biệt, các cấp công đoàn phải tuyên truyền để người lao động hiểu rõ hơn giá trị của BHXH, tránh tình trạng bán sổ BHXH cũng như rút BHXH một lần.

Trong bối cảnh tiềm ẩn nhiều rủi ro, dịch bệnh như hiện nay, việc nhận BHXH một lần là điều người lao động cần hết sức cân nhắc. Bởi thực tế, một số ít người vì lợi ích trước mắt, muốn rút BHXH một lần để có khoản “tiền tươi” trang trải cuộc sống mà đánh mất nhiều quyền lợi quan trọng trong tương lai như hưởng lương hưu và được chăm sóc sức khỏe lúc về già...