Gỡ nút thắt thủ tục hành chính

Các doanh nghiệp bất động sản ở TP Hồ Chí Minh không xin Nhà nước hỗ trợ bằng tiền hay giảm thuế mà chỉ xin hỗ trợ về cơ chế chính sách để phục hồi sản xuất sau đại dịch Covid-19.

Theo thống kê, trong gần 5 năm qua, hàng trăm dự án xây dựng nhà ở trên địa bàn thành phố thi công chậm tiến độ, ngừng triển khai vì vướng thủ tục về pháp lý. Chỉ tính riêng 126 dự án nhà ở có đất công xen cài bị ách tắc, nếu bình quân mỗi dự án có vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng, thì tổng mức đầu tư lên đến 126.000 tỷ đồng. Nhà nước bị thất thu tiền sử dụng đất khoảng 10.000 tỷ đồng, thất thu tiền thuế giá trị gia tăng 12.600 tỷ đồng. Đó là chưa kể, nếu các dự án này đạt lợi nhuận 20% thì thành phố sẽ thu thuế thu nhập doanh nghiệp thêm hàng nghìn tỷ đồng, chưa kể một loạt khoản thuế chuyển nhượng, kinh doanh bất động sản dịch vụ, thương mại khác...

Quyết liệt tháo gỡ thủ tục hành chính để phục hồi kinh tế đang là nội dung quan trọng được TP Hồ Chí Minh triển khai. Thành phố đã xin cơ chế giảm thời gian làm thủ tục hành chính để xác định giá đất, thẩm định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất dự án theo các phương pháp định giá đất hiện nay từ trên, dưới ba năm xuống chỉ còn khoảng 10-15 ngày làm việc. Nếu được Trung ương chấp thuận, thành phố sẽ ban hành hệ số điều chỉnh giá đất, để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả khu đất, thửa đất (không phân biệt giá trị tính theo bảng giá đất hơn 30 tỷ đồng hay dưới 30 tỷ đồng), thay vì phải thực hiện thuê đơn vị tư vấn để xác định giá đất cụ thể theo các phương pháp thẩm định giá. Việc áp dụng phương pháp điều chỉnh giá đất để xác định giá đất cụ thể vừa tăng cường thêm trách nhiệm và tính chủ động của thành phố, vừa có căn cứ định lượng giúp đơn giản hóa, rút ngắn thời gian làm thủ tục hành chính, giúp môi trường đầu tư tăng thêm tính minh bạch, thông thoáng, loại trừ được cơ chế xin cho. Doanh nghiệp có thể dự đoán được số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để tính tổng mức đầu tư, đánh giá được tính khả thi, không khả thi của dự án đầu tư để quyết định đầu tư hoặc không đầu tư.

Về việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án đang bị ngừng triển khai, mặc dù Nghị định 148/2020/NĐ-CP (có hiệu lực kể từ ngày 8/2/2021) chưa có thông tư hướng dẫn, chưa có tiêu chí về các thửa đất nhỏ hẹp như thế nào sẽ được giao, cho thuê và thửa đất nào phải tách ra để đấu giá hình thành dự án mới; tuy nhiên, TP Hồ Chí Minh đã đưa ra hướng tháo gỡ. Đối với đất xen cài trong dự án mà không có đường đi, không đủ diện tích tách ra làm dự án mới, cơ quan chức năng sẽ trình UBND thành phố ra quyết định giao đất cho doanh nghiệp. Những thửa đất xen cài nếu có đường đi nhưng không đủ diện tích để tách thành dự án mới sẽ xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường để cho đóng tiền sử dụng đất. Đất đủ tách thành dự án sẽ được đấu thầu, đấu giá đất.

Quyết tâm đổi mới, quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư của chính quyền thành phố bước đầu tạo ra những kết quả khả quan khi xuất hiện ngày càng nhiều dự án bị ngưng đã triển khai trở lại. Những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp hằng tuần đều được lãnh đạo thành phố ghi nhận, thông qua các buổi họp, đối thoại.