Giúp người lao động trở lại làm việc

Từ đầu tháng 10 đến nay, hàng nghìn người lao động (NLĐ) nhập cư từ TP Hồ Chí Minh đã trở về quê hương sau khi thành phố nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, không thông qua các cơ quan chức năng liên quan. Phần lớn những NLĐ này đã mất việc hoặc tạm ngừng việc trong đợt dịch vừa qua, phải sống ở nhà thuê với rất nhiều khó khăn.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, từ tháng 7/2021 đến hết tháng 9/2021, Sở Giao thông vận tải thành phố đã phối hợp các địa phương đưa hơn 33 nghìn người về 34 tỉnh, thành phố, chưa kể những người đã về quê trước đó và trong khoảng thời gian này mà không thông qua cơ quan chức năng. Còn tính đến cuối tháng 9/2021, có khoảng 31 nghìn NLĐ nhập cư làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp ở thành phố đã về quê (chủ yếu là các tỉnh lân cận thành phố). Tình trạng này là chuyện bất đắc dĩ với những NLĐ và là chuyện ngoài ý muốn của các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là với các doanh nghiệp (DN) đang lên kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động thành phố, trong ba tháng cuối năm 2021, thành phố cần khoảng 57 nghìn lao động. Nhu cầu nhân lực có xu hướng tăng ở các nhóm nghề mang tính thế mạnh của thành phố như: Thương mại, dịch vụ, công nghệ thông tin, cơ khí - tự động hóa, vận tải - cảng - kho bãi, du lịch - nhà hàng - khách sạn, dệt - may, da - giày... Trong đó, lao động qua đào tạo tiếp tục chiếm tỷ lệ cao với khoảng hơn 87% tổng nhu cầu nhân lực. Tuy nhiên, với tình hình NLĐ nhập cư rời thành phố về quê từ đầu tháng 10 đến nay, nhu cầu lao động chắc chắn sẽ lớn hơn con số dự báo nêu trên.

Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, chuyện thiếu hụt nguồn lao động tại thành phố trong thời gian tới là vấn đề rất đáng quan tâm, nhất là khi đã, đang có một lượng lớn NLĐ về quê tránh dịch, và có không ít những người này đã chuyển đổi sinh kế hoặc có ý định hay kế hoạch lập nghiệp tại quê hương. Vì vậy, kế hoạch hoạt động trở lại của nhiều DN sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ khi đối mặt vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực.

Trước tình cảnh đó, chính quyền và các cơ quan chức năng liên quan cần phối hợp với các DN, hiệp hội ngành nghề để xây dựng kế hoạch và giải pháp khả thi nhằm đón NLĐ nhập cư trở lại thành phố làm việc. Bên cạnh những chính sách đãi ngộ riêng của chính mình để đón NLĐ quay lại, nhiều DN cho rằng, thành phố cần có những chính sách thiết thực để hỗ trợ và tiếp sức cho DN. Cơ quan chức năng của thành phố cần phối hợp cùng các hiệp hội ngành nghề tổ chức các chuyến xe đưa NLĐ từ các địa phương về thành phố; thiết lập các địa điểm có vai trò như “vùng đệm” để khám sàng lọc, hỗ trợ lưu trú tạm thời 14 ngày cách ly cho NLĐ ngoại tỉnh; ưu tiên tiêm vắc-xin, xét nghiệm y tế trước khi DN đón NLĐ quay lại nhà máy làm việc; tạo điều kiện để NLĐ sinh sống ở địa phương giáp ranh có giấy thông hành qua lại thuận tiện khi đã tiêm vắc-xin đầy đủ.

Theo các chuyên gia, DN và chính quyền cần quan tâm hơn nữa chính sách an sinh cho NLĐ, nhất là vấn đề tiền lương, tiền thuê nhà. Cùng với đó, Nhà nước và DN cần chung tay cải thiện môi trường làm việc sao cho an toàn hơn trong điều kiện dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt hẳn; nâng cấp hạ tầng y tế; cải tạo hoặc xây dựng mới các khu lưu trú công nhân với cơ sở hạ tầng hiện đại và điều kiện sống tốt hơn.