Giữ lấy bờ sông Sài Gòn

Ðến bây giờ chính quyền thành phố mới có đề án "Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông giai đoạn 2020 - 2045" là quá muộn đối với một thành phố được mệnh danh là năng động nhất cả nước.

Sông Sài Gòn gắn liền với lịch sử 300 năm hình thành của thành phố. Từ bến Nhà Rồng đến cảng Ba Son, chợ hoa trên sông ở Bến Bình Ðông… đã đi vào tiềm thức, là nét văn hóa, là giá trị tinh thần của người dân phố thị. Vậy mà, theo thời gian, những dãy nhà cổ dọc theo đường Khánh Hội và Võ Văn Kiệt - những minh chứng hiếm hoi gợi nhớ khung cảnh trên bến, dưới thuyền của Sài Gòn xưa cũng dần biến mất. Thay vào đó, dọc bờ sông, những vị trí đẹp nhất lại đang dần bị chiếm ngự bởi các biệt thự, nhà cao tầng.

Trong kế hoạch giữ và phát triển kinh tế bờ sông, Sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh thể hiện rõ ý tưởng sẽ đầu tư phát triển hành lang dọc sông Sài Gòn, cùng hệ thống kênh rạch, ao, hồ, mương nước dọc sông. Từ đó, hình thành một hệ thống hạ tầng xanh đa chức năng (bao gồm chức năng về giao thông thủy, môi trường, văn hóa và kinh tế, dịch vụ). Ðể thực hiện được ý tưởng này, từ nay đến năm 2025, Sở sẽ tập trung vào ba nhiệm vụ chính: triển khai chương trình hành động cải tạo chỉnh trang hành lang sông Sài Gòn (đoạn chảy qua trung tâm thành phố) gắn với các đề án phát triển kinh tế, dịch vụ; ban hành và triển khai quy chế, quy định, hướng dẫn quản lý phát triển hành lang sông nước; triển khai một số dự án điển hình về đầu tư cơ sở hạ tầng xanh tích hợp gắn với hoạt động du lịch và kinh tế, dịch vụ giải trí.

Chúng ta hy vọng rằng, khi đề án này được phê duyệt thì nhiều không gian ven sông sẽ hình thành nên nơi chốn sinh hoạt lành mạnh cho người dân. Hãy thử tưởng tượng trong một ngày không xa, người dân có thể chạy bộ, di dạo hóng mát trên một bờ kè ven sông dài tít nối liền các quận với nhau; thử hình dung có một ngày, sông Gài Gòn sẽ như sông Seine của nước Pháp (chảy xuyên qua Paris) với đôi bờ là những công trình nổi tiếng tạo dấu ấn riêng.

Quy hoạch ven sông là cơ hội để tạo ra không gian công cộng sông nước phục vụ người dân. Dù đến hôm nay mới quy hoạch, là chậm, nhưng thành phố hãy chớp lấy cơ hội này để làm quy hoạch một cách có lớp lang, trình tự và hiệu quả. Chính quyền thành phố phải khảo sát hiện trạng, từ hiện trạng mới tính ra quy hoạch, từ quy hoạch mới tính ra quỹ đất, từ quỹ đất mới đề xuất dịch vụ. Mỗi quy hoạch ven sông cần nghiên cứu kỹ hiện trạng để đưa ra giải pháp phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện phát triển của thành phố. Thành phố phải đặt nhiệm vụ này ở một vị trí quan trọng nhằm gấp rút bảo vệ bờ sông không bị sạt lở, lấn chiếm, ban hành các chính sách thu hút và ưu đãi doanh nghiệp tham gia đầu tư. Nên có cơ chế để doanh nghiệp được tự do đề xuất phương án quy hoạch, chỉ cần bảo đảm tiêu chí có không gian công cộng ven sông phục vụ cộng đồng. Ðáp lại, chính quyền sẽ cho phép họ được tăng thêm hệ số sử dụng đất nhằm cân đối bài toán kinh doanh. Bảo vệ, tái thiết bờ sông là việc cần ưu tiên để TP Hồ Chí Minh trở nên đáng sống hơn.

VŨ NGUYÊN