Giải bài toán giao thông đô thị bằng tầm nhìn dài hạn

Là đô thị lớn của cả nước, những năm qua, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều giải pháp để giải bài toán về giao thông đô thị vốn đang gặp nhiều vấn đề nan giải. Các dự án lớn, nhỏ đã và đang thực hiện nhưng phần lớn đều gặp khó khăn, vướng mắc, chậm tháo gỡ. Điều đó cho thấy, để giải quyết vấn đề này, chính quyền, người dân cần có chung một tầm nhìn dài hạn.

Chính quyền thành phố thời gian qua đã nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp, công cụ để kiểm soát và hạn chế ô-tô, xe máy để giảm ô nhiễm không khí, bảo vệ sức khỏe người dân, bảo đảm giao thông thông thoáng nhưng vẫn đang bế tắc. Thí dụ như, đề án xây dựng tám tuyến metro có từ năm 2012 nhưng đến nay, chỉ có tuyến số 1 đang triển khai nhưng chưa hẹn ngày hoạt động, còn các tuyến còn lại vẫn chưa biết khi nào sẽ khởi công; dự án sử dụng xe buýt trở thành phương tiện vận tải công cộng chủ lực thì đang gặp khó khăn khi diện tích đất dành cho phương tiện này vẫn rơi vào tình trạng bế tắc.

Đáng bàn, nhiều năm qua, thành phố đã triển khai nhiều ý tưởng, đề án có tính khả thi cao nhưng khi lấy ý kiến người dân thì lại gặp những ý kiến trái chiều cho nên các đề án tiếp tục “đắp chiếu”. Đó là một vòng luẩn quẩn khiến nỗ lực cải thiện giao thông đô thị giẫm chân tại chỗ. Xét một cách toàn cục, trong bối cảnh hiện nay, thay đổi văn hóa giao thông và lợi ích trước mắt vẫn là một bài toán cần thành phố sớm có lời giải hài hòa, phù hợp để hướng đến mục tiêu và lợi ích lâu dài cho giao thông đô thị. Người dân hẳn sẽ băn khoăn trước những vấn đề của đề án thu phí ô-tô vào khu vực trung tâm như: Các trạm thu phí được dựng lên có làm thay đổi ý thức sử dụng ô-tô trong nội đô hay không? Thành phố sẽ thu phí vào những khung giờ cố định, hay thu phí mọi thời điểm? Có phải ô-tô mới gây kẹt xe còn xe máy không gây kẹt xe? Đề án sẽ được thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước hay đầu tư theo hình thức công tư?... Các câu hỏi đó, cần được chính quyền trả lời một cách thấu đáo. Người dân sẽ chọn lựa bỏ phương tiện cá nhân, nếu giao thông công cộng bảo đảm được lợi ích trước mắt và lâu dài cho người dân.

Ngoài hệ thống giao thông công cộng cần được đầu tư hoàn chỉnh thì văn hóa giao thông cũng cần được thành phố quan tâm. Dù ở loại hình phương tiện giao thông nào thì văn hóa giao thông cũng được thể hiện rất rõ trong quá trình tham gia giao thông. Có văn hóa giao thông, chúng ta sẽ không còn phải chứng kiến cảnh chen lấn, cự cãi, thậm chí là án mạng xảy ra dù hành động ban đầu chỉ từ một va quệt nhỏ. Như đã nhắc đến ở trên, hạ tầng giao thông, nhất là đất dành cho giao thông công cộng là điều cần được thành phố quan tâm, ưu tiên đầu tư bởi đây là vấn đề cốt yếu, quan trọng để thành phố bảo đảm cho điều kiện cần và đủ trong quá trình xây dựng và giải bài toán giao thông đô thị.

Các kế hoạch về xây dựng giao thông đô thị nếu bảo đảm được yếu tố về một tầm nhìn dài hạn chắc chắn sẽ được người dân quan tâm, ủng hộ. Điều mà một số quốc gia trên thế giới đã từng rất thành công trong nỗ lực hiện đại hóa đô thị.