Đóng cửa nhà xưởng không an toàn

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương đã kiên quyết yêu cầu doanh nghiệp (DN) trong khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN), khu công nghệ cao (CNC) phải đóng cửa, tạm ngưng sản xuất nếu không bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch theo quy định.

Ðộng thái này thể hiện sự quyết liệt của các cơ quan quản lý đúng như tinh thần chỉ đạo trước đó của lãnh đạo UBND thành phố Hồ Chí Minh: Duy trì dây chuyền sản xuất nhưng sức khỏe của người lao động (NLÐ) phải được ưu tiên hàng đầu, không để dịch bệnh lây lan từ trong môi trường sản xuất ra cộng đồng dân cư.

Thông tin từ Ban Quản lý các KCX và công nghiệp TP Hồ Chí Minh (Hepza), đến ngày 13/7, đã có 90 trong tổng số 250 DN ở KCX Tân Thuận đóng cửa tạm ngưng sản xuất do có ca nhiễm Covid-19 để phòng, chống dịch. Số DN tạm ngưng đóng cửa có gần 60 nghìn công nhân trong tổng số 70 nghìn công nhân làm việc trong KCX Tân Thuận.

Cùng thời điểm này, tại Khu CNC (TP Thủ Ðức) cũng có nhiều DN tạm đóng cửa để kiểm tra, khắc phục công tác phòng dịch tại nhà xưởng vì phát hiện hơn 700 ca F0 ở một số DN có đông công nhân lao động. Hơn lúc nào hết, phương châm "sản xuất phải an toàn", "chưa an toàn thì không thể sản xuất" là rất phù hợp.

Xác định công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại DN, nhất là các DN nằm trong KCX, KCN, khu CNC, phải được ưu tiên hàng đầu, Hepza và UBND thành phố Thủ Ðức đã có văn bản đề nghị các DN đóng trong KCX Tân Thuận, trên địa bàn TP Thủ Ðức cần tổ chức hoạt động và thực hiện theo những yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch. Theo đó, DN phải tạm ngưng hoạt động khi có ca nghi mắc Covid-19 theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố. Tuyệt đối tuân thủ các yêu cầu về phòng, chống dịch, tạm ngưng sản xuất để kiểm soát an toàn phòng dịch. DN chỉ được sản xuất trở lại sau khi có ý kiến chấp thuận của cơ quan thẩm quyền kiểm tra an toàn phòng, chống dịch.

Các DN đã có phương án "vừa sản xuất, vừa lưu trú tại chỗ" sẽ tiếp tục hoạt động theo kế hoạch hoặc phương án đăng ký, kiểm soát không cho người ra khỏi DN (trừ trường hợp cấp bách). Trong thời gian toàn thành phố giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, DN phải khẩn trương thực hiện nội dung "ba tại chỗ" (sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ). DN cũng có thể thuê chỗ ở tập trung (khách sạn, ký túc xá...) cho NLÐ bên ngoài DN nhưng phải quản lý chặt chẽ, tổ chức đưa đón bằng phương tiện chung, không để NLÐ tự di chuyển bằng phương tiện cá nhân.

Những quy định nêu trên là biện pháp phù hợp để siết lại công tác phòng, chống dịch tại DN, nhất là DN có dây chuyền sản xuất khép kín với hàng nghìn công nhân, NLÐ làm việc.

Để triển khai thực hiện hiệu quả, rất cần sự chung tay, đồng lòng, thể hiện trách nhiệm của lãnh đạo DN, công đoàn cơ sở và chính bản thân NLÐ. Trong đó, cần nhất là trách nhiệm của lãnh đạo DN thực hiện đầy đủ chế độ theo luật định để quyền lợi của NLÐ được bảo đảm. Công đoàn các DN cần tăng cường vận động, thuyết phục NLÐ không hoang mang, hợp tác cùng DN thực hiện tốt mục tiêu kép…