Để người lao động yên tâm

Từ đầu tháng 10 tới nay, với các giải pháp "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", TP Hồ Chí Minh từng bước trở lại cuộc sống bình thường mới để phục hồi đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Thế nhưng, hàng chục nghìn lao động, vốn là "tài sản quý giá" của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất rời thành phố về quê trong đại dịch vừa qua để lại nhiều bài học, vấn đề cần suy ngẫm trong việc giữ chân người lao động. Lỗ hổng này càng được bộc lộ rõ khi sự thiếu hụt nguồn nhân lực đã lập tức tác động đến "sức khỏe" của doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn quan trọng cần tăng tốc nhất của doanh nghiệp vào dịp cuối năm.

Trong một khảo sát với 200 doanh nghiệp tại thành phố mới đây cho thấy, nhu cầu tuyển dụng cho mùa sản xuất, kinh doanh cuối năm 2021 là khoảng 50 nghìn lao động. Hàng chục nghìn người lao động đã về quê, trong đó 49% trong số này dù đang thất nghiệp nhưng vẫn chưa hẹn ngày trở lại thành phố để làm việc. Họ vừa trải qua những ngày được xem là khó khăn nhất ở nơi đã tạo ra công ăn việc làm, thu nhập để nuôi sống bản thân, gia đình trong suốt nhiều năm. Các gói hỗ trợ an sinh của thành phố dù đã được triển khai, song đằng sau làn sóng quyết định về quê của nhiều người dân để lại những khoảng trống, lỗ hổng về chính sách an sinh bền vững để người lao động yên tâm gắn bó với thành phố trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào.

Nhiều lao động nhập cư dù đã sinh sống và làm việc ở thành phố hàng chục năm nay nhưng vẫn chưa thể mua được nhà. Ngoài việc khó tiếp cận quỹ đất, đến nay chính sách xây dựng nhà ở cho công nhân vẫn chưa có tiến triển, thủ tục và quy định còn rườm rà do bị chi phối bởi pháp luật liên quan về nhà ở. Về lâu dài, các chính sách về tiền lương cần sớm được thay đổi theo hướng quy định mức lương tối thiểu dựa trên các yếu tố về năng suất lao động và năng lực cạnh tranh thay vì phương pháp "chi phí sinh hoạt tối thiểu" hiện nay. Ngoài ra, đã đến lúc chính doanh nghiệp cần nhìn nhận và thay đổi, cải thiện điều kiện làm việc, chính sách an toàn, vệ sinh lao động, trợ cấp thất nghiệp, bảo đảm các chính sách phúc lợi xã hội, tai nạn nghề nghiệp đầy đủ để người lao động yên tâm gắn bó thay vì tạo ra tâm lý "nhảy việc" trong nhiều lao động như thời gian vừa qua.

Trong các cam kết mới đây, Thành ủy, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã đề cập đến kế hoạch xây nhà xã hội cho người thu nhập thấp. Ðó là một nhu cầu bức thiết, điều kiện cần và đủ của bất cứ người lao động nào yên tâm gắn bó với thành phố. Chiến lược đó cần sớm được cụ thể hóa để người lao động thỏa giấc mơ mỗi lao động nhập cư "an cư lạc nghiệp" sau nhiều năm gắn bó với thành phố. Ðể tạo đà phát triển kinh tế, bên cạnh sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô, môi trường kinh doanh thuận lợi thì việc tích tụ nguồn nhân lực, các chính sách lao động và các mối quan hệ lao động là yếu tố quan trọng cần được Chính phủ, các bộ, ngành và thành phố quan tâm có các quyết sách phù hợp, mang tính bền vững để "tài sản quý" của doanh nghiệp, thành phố tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố.

Xuân Phú