Cùng chung tay chia sẻ khó khăn

Trước tình hình dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh và các địa phương phía nam đang diễn biến hết sức phức tạp, các ca lây nhiễm trong cộng đồng vẫn chưa được kiểm soát, chính quyền một số tỉnh, thành phố trên cả nước đã có kế hoạch sẵn sàng đón người dân xa quê từ TP Hồ Chí Minh trở về địa phương.

Một số tỉnh như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh… ra thông báo, người dân trong tỉnh vào TP Hồ Chí Minh làm việc, mưu sinh, học tập có nhu cầu trở về địa phương tránh dịch sẽ được tỉnh hỗ trợ, chăm lo cơ sở vật chất cũng như bố trí xe đưa đón, nơi cách ly, ăn ở, kiểm tra dịch tễ. Việc làm ấy nhằm “chia lửa” với TP Hồ Chí Minh, nơi tập trung số lượng lớn người lao động, trí thức, sinh viên… từ nơi khác đến cư trú, làm việc, học tập, đang gồng mình chiến đấu với “giặc” dịch.

Tỉnh Quảng Ngãi quyết định trích hai tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ người dân quê hương đang ở TP Hồ Chí Minh gặp khó khăn, đồng thời bố trí 10 chuyến xe đưa đón những trường hợp khó khăn về quê nhà. Những người về quê còn được tỉnh tiếp nhận, bố trí lưu trú tại các khu cách ly y tế tập trung do tỉnh thành lập mà không phải trả phí. Thông qua “cầu nối” Hội đồng hương tại TP Hồ Chí Minh, chính quyền TP Ðà Nẵng sẽ đưa người dân quê mình về quê tránh dịch bằng việc tổ chức các chuyến xe đi lại miễn phí kèm thêm chi phí sinh hoạt trên đường đi; được miễn phí chi phí xét nghiệm và chăm sóc y tế khi về cơ sở cách ly tại địa phương…

Mỗi địa phương đều có sự hỗ trợ người dân trở về quê bằng những hoạt động chăm lo cụ thể,  ấm áp, đầy nghĩa tình. Chăm lo cho người dân bản quán cũng chính là chung tay cùng cả nước, cùng TP Hồ Chí Minh nhanh chóng khống chế, đẩy lùi dịch để đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh hành động “chia lửa” của một số địa phương với TP Hồ Chí Minh; đồng thời chỉ đạo các tỉnh, thành phố cần tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc tiếp nhận người lao động, người dân từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía nam trở về bảo đảm những quy định về phòng, chống dịch, không để xảy ra tình trạng phải chờ đợi, quy trình, thủ tục phức tạp, kéo dài, gây bức xúc cho người dân. Cần bảo đảm nguồn hàng hóa, nhu yếu phẩm đầy đủ, dồi dào và vận chuyển kịp thời đến TP Hồ Chí Minh để phục vụ đời sống của người dân. Bảo đảm các hoạt động vận tải thuận tiện, thông suốt giữa các địa phương với TP Hồ Chí Minh, nhất là việc vận chuyển những hàng hóa phục vụ cho các hoạt động kinh tế, xã hội, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu cần thiết. Bảo đảm kiểm soát dịch bệnh theo quy định…

Tùy vào tình hình thực tế và điều kiện của mỗi địa phương mà có cách hỗ trợ, san sẻ khó khăn với TP Hồ Chí Minh một cách phù hợp, thiết thực. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu địa phương nào chưa bố trí đủ nguồn lực, cơ sở vật chất cho việc cách ly, điều trị người dân trở về địa phương và hạn chế sự xáo trộn do đi lại, thì dùng nguồn ngân sách mua hàng hóa thiết yếu, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch, kể cả hỗ trợ nguồn nhân lực về y tế để chi viện, tiếp sức cho TP Hồ Chí Minh. Thực tế thời gian qua, nhiều địa phương đã ủng hộ số lượng lớn thực phẩm, rau củ quả, đặc sản vùng, miền… chuyển vào TP Hồ Chí Minh để góp phần cùng thành phố giải quyết tình trạng khan hiếm cục bộ về nông sản, thực phẩm, bảo đảm nhu yếu phẩm thiết yếu hằng ngày của người dân thành phố.