Chủ động ngăn ngừa bạo lực học đường

Bạo lực học đường không phải là vấn đề mới trong môi trường giáo dục. Tuy nhiên, mới đây, bạo lực học đường lại xảy ra ở ngôi trường quốc tế với nhiều quy chuẩn giáo dục hiện đại thì một lần nữa đã gióng hồi chuông cảnh báo với các học sinh, nhà trường và phụ huynh.

Chỉ cần lên mạng gõ vào công cụ tìm kiếm Google từ khóa "bạo lực học đường", chưa tới một giây, có hơn 2,1 triệu kết quả về bạo lực học đường hiện lên. Trong đó, các bài viết, hình ảnh, clip về bạo lực học đường được đăng tải. Nền tảng YouTube, nhiều clip về học sinh "xử lý" nhau cũng được đăng tải nhan nhản. Theo các chuyên gia, phần lớn những nội dung đăng tải đó đã và đang gây ra những "tác dụng ngược" với các học sinh trong độ tuổi đến trường. Bạo lực học đường là vấn đề được dư luận đã phản ánh rất nhiều. Tâm lý của các bậc phụ huynh thường lo lắng, bất an khi con em mình là nạn nhân hoặc bị tác động khi các sự việc liên quan đến bạo lực học đường xảy ra trong nhà trường. Thực tế, bạo lực học đường có thể diễn ra ở tất cả các trường từ vùng sâu, vùng xa đến các thành phố lớn. Dù không mới, nhưng đây vẫn là trăn trở của xã hội, bởi đã có thời gian dài ngành giáo dục nói riêng và xã hội nói chung nỗ lực để giảm thiểu vấn đề này. Vấn nạn này không chỉ gây tâm lý lo lắng đến các bậc phụ huynh mà chính các em học sinh đã trở thành "nạn nhân" khi vấn nạn này tác động tâm lý đến các em, nhiều học sinh rơi vào tình trạng trầm cảm, sống khép kín khi không thể thoát ra khỏi những vụ bạo lực xảy ra liên tiếp ở trường học.

Về nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, có thể thấy, đầu tiên là sự thiếu quan tâm hoặc quan tâm chưa đúng cách của các bậc phụ huynh đối với con em mình. Cuộc sống hiện đại ngày nay đang khiến nhiều bậc phụ huynh "phó mặc" con em mình cho những thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính. Việc thiếu kiểm soát đó đã sinh ra nhiều hệ lụy tiêu cực do môi trường mạng gây ra. Cũng từ đó, nhu cầu trang bị những kỹ năng sống cần thiết cho các em trong cuộc sống trở nên thiếu hụt hoặc không đầy đủ. Ngoài ra, đại dịch Covid-19 vừa qua cũng đã, đang tác động đến sức khỏe tinh thần của con người trong tất cả các lĩnh vực, ở tất cả các lứa tuổi, đối tượng. Trong số đó, học sinh là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, bởi các em có thời gian rất dài học trực tuyến, không được giao lưu với thầy cô, bạn bè.

Nhiều vấn đề về bạo lực học đường đã được nhà trường, các cơ quan chức năng can thiệp, xử lý kịp thời. Tuy nhiên, các video, hình ảnh bạo lực học đường xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội cũng ảnh hưởng xấu đến xu hướng phát triển, tự tiêm nhiễm vào nhiều học sinh những cách ứng xử lệch lạc. Nhiều vụ bạo lực học đường được phát trực tiếp trên mạng, thu hút hàng nghìn, thậm chí hàng triệu lượt xem đã khiến nhiều học sinh có luồng suy nghĩ tiêu cực. Trong khi các nạn nhân trong các vụ việc càng bị tổn thương sâu sắc hơn, hoảng loạn về mặt tinh thần.

Để hạn chế vấn đề bạo lực học đường, công tác truyền thông, kiểm soát các nội dung đăng tải trên mạng xã hội cần được thực hiện tốt hơn nữa. Hiện nay, Luật An ninh mạng đã có hiệu lực cho nên cần có chế tài xử lý nghiêm và hiệu quả hơn đối với các hành vi đăng tải, kích động các vụ việc liên quan đến bạo lực học đường. Ngoài ra, vấn nạn này cũng sẽ giảm khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục, uốn nắn và trang bị cho các em những kỹ năng sống quan trọng và cần thiết trong cuộc sống. Vụ việc xảy ra trong trường quốc tế mới đây, khi các phụ huynh có cách hành xử không khéo léo đã vô tình gây nên những tác động tâm lý đối với các em. Đó là điều cần hết sức tránh để những vụ việc tương tự sẽ không xảy ra; cao hơn, các em học sinh cũng cần tự rút ra cho mình những bài học để tạo ra một môi trường giáo dục lành mạnh cho chính các em.