Chống thất thu thuế lĩnh vực thương mại điện tử

Thương mại điện tử đang phát triển bùng nổ, trở thành kênh giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ phổ biến tại thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, cùng với những tiện ích không thể phủ nhận cho người tiêu dùng, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc kiểm soát, chống thất thu ngân sách nhà nước từ hoạt động này là vấn đề nan giải với các cơ quan chức năng.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 20.480 website thương mại điện tử bán hàng, 572 website cung cấp trang thương mại điện tử. Thành phố cũng có 35,7% số doanh nghiệp đã xây dựng website độc lập với các tính năng đa dạng, cho phép người tiêu dùng đặt hàng và thanh toán trực tuyến. Với mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số thành phố Hồ Chí Minh chiếm tỷ trọng 25% trong GRDP, đến năm 2030 là 40%, thương mại điện tử ở thành phố sẽ còn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới. Theo Google và Temasek, thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020-2025 là 29%. Đến năm 2025, quy mô thương mại điện tử Việt Nam đạt 52 tỷ USD.

Trong khi thương mại điện tử được đánh giá là “ăn nên, làm ra” thì việc thu thuế từ hoạt động này vẫn bộc lộ nhiều bất cập, số tiền thu thuế được khá khiêm tốn. Theo thống kê, trong các năm qua, ngành thuế đã thu thuế từ thương mại điện tử xuyên biên giới thông qua các tổ chức tại Việt Nam gần 5.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp lớn đã nộp thuế như Facebook nộp 1.694 tỷ đồng, Google nộp 1.618 tỷ đồng, Microsoft nộp 576 tỷ đồng. Năm 2021, số thu thuế từ dịch vụ xuyên biên giới đạt 1.317 tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm 2020. Tuy nhiên, con số này được đánh giá là rất nhỏ so với doanh thu thực tế.

Nguyên nhân thất thu thuế được xác định là do hành lang pháp lý về quản lý hoạt động thương mại điện tử chưa hoàn thiện; việc quản lý đầy đủ đối tượng nộp thuế, quản lý các nguồn thu, việc kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế hay việc kiểm soát dòng tiền thanh toán… vẫn là bài toán khó.

Mặt khác, đối tượng nộp thuế thường tìm mọi cách lách luật để “né” thuế như: Không đăng ký kinh doanh; không kê khai doanh thu với cơ quan quản lý nhà nước; không công khai hoặc công khai không chính xác tài khoản giao dịch và thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt, không có hóa đơn. Một số doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới nhưng không có văn phòng đại diện, các hoạt động kinh doanh chủ yếu thông qua các ứng dụng số trên mạng internet và chuyển hàng qua chuyển phát nhanh nên các cơ quan chức năng không thu được thuế.

Hiện, dư luận xã hội đang trông đợi Nghị định quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử sớm được ban hành để tạo sự minh bạch, công bằng, thuận lợi cho hoạt động thương mại điện tử; đồng thời bảo đảm công tác quản lý, ngăn chặn trốn thuế, kiểm soát chất lượng dịch vụ, hàng hóa.

UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa yêu cầu các đơn vị liên quan như: Thuế, hải quan, quản lý thị trường, ngân hàng nhà nước… tăng cường phối hợp chặt chẽ trong việc chống thất thu thuế. Mấu chốt của việc phối hợp này là phải xây dựng được cơ sở dữ liệu dùng chung để chia sẻ thông tin. Trong đó, Cục Thuế thành phố chia sẻ thông tin về thuế; Sở Công thương, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố chia sẻ thông tin về các website và ứng dụng thương mại điện tử trên địa bàn thành phố… Trên cơ sở đó, cơ quan thuế có thể quản lý và thông báo nghĩa vụ thuế với người dân và doanh nghiệp.

Cùng với đó, ngành thuế cần nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế lĩnh vực thương mại điện tử, trong đó có việc ứng dụng các phần mềm kiểm soát các giao dịch kinh doanh của người nộp thuế; ứng dụng các phần mềm hỗ trợ kê khai, tính toán mức nộp thuế để nâng cao hiệu quả thu thuế từ thương mại điện tử…