Chăm sóc sức khỏe tinh thần trong đại dịch

Đại dịch Covid-19 kéo dài, diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến cuộc sống của nhiều người. Một trong những biểu hiện của điều đó là sự căng thẳng, lo âu gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống ở cả người lớn, trẻ nhỏ, bệnh nhân mắc Covid-19.

Ở các khu dân cư thời gian vừa qua thường xuất hiện tình trạng các bậc phụ huynh la mắng, thậm chí dùng đòn roi với trẻ nhỏ. Nguyên nhân là do suốt mấy tháng hè, bọn trẻ phải “bó chân bó tay” trong nhà cho nên tìm đến ti-vi, điện thoại để giải trí. Việc ăn uống, sinh hoạt cũng qua loa, đảo lộn nhiều thứ.

Bước vào năm học mới, mỗi ngày các em đều phải “đến trường” qua chiếc laptop, điện thoại. Cuộc sống chỉ xoay quanh bốn bức tường chật hẹp đối với bọn trẻ đang tuổi vui đùa, hiếu động thật khó thích nghi. Tại nhiều gia đình, tiếng la hét, cự cãi giữa vợ chồng, con cái xuất hiện với tần suất ngày một nhiều hơn. Đây là thực trạng đáng lo ngại ở đô thị sầm uất nhất cả nước trong đại dịch này.

Một thống kê khác về sức khỏe tinh thần vừa được Bệnh viện Chợ Rẫy và Tiến sĩ tâm lý Trì Thị Minh Thúy (chuyên gia trị liệu tâm lý thuộc Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh) cùng với các cộng sự thực hiện tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 TP Thủ Đức cho thấy, có 20% số bệnh nhân đang điều trị bị trầm cảm, 53,3% rối loạn lo âu và 16,7% bị stress. Đối với bệnh nhân từng thở ô-xi dòng cao (HFNC) có tỷ lệ trầm cảm cao hơn, tới 66,7%; các bệnh nhân từng thở ô-xi qua mặt nạ hoặc thở máy cũng có tỷ lệ rối loạn lo âu cao tới 66,7%.

Có 67% số bệnh nhân mong muốn tiếp tục được tư vấn, điều trị tâm lý, kể cả sau khi xuất viện về nhà. TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 362.000 ca mắc Covid-19 ở nhiều độ tuổi khác nhau, riêng đối với trẻ em, thống kê chưa đầy đủ thì có tới hơn 1.500 em học sinh mất người thân (cha, mẹ hoặc cả cha mẹ) trong đợt dịch này. Chăm sóc sức khỏe tinh thần là một nhu cầu cần sớm được can thiệp để các bệnh nhân, đối tượng liên quan sớm lấy lại được thăng bằng cuộc sống sau những biến cố xảy ra.

Đối với trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh cần nhận biết những cảm xúc và phản ứng mà con trẻ có thể trải qua như: Trẻ dễ khóc, sợ hãi, buồn bã, lo lắng; giảm hứng thú với các hoạt động thường ngày; trẻ sống thu mình, ít nói, ít tham gia vào các cuộc nói chuyện và chia sẻ;...

Để giúp trẻ vượt qua khó khăn đó, trước hết, trẻ em cần được tôn trọng, lắng nghe, quan tâm và nhận được tình yêu thương của cha mẹ. Các phụ huynh cần cố gắng duy trì các sinh hoạt chung của gia đình; dành thêm thời gian và sự chú ý, giữ bình tĩnh và nhẹ nhàng với con, cung cấp thông tin chính xác và giải thích về đại dịch Covid-19 cho con biết.

Với người lớn, họ là những “nạn nhân” trực tiếp của Covid-19 khi rất nhiều tác động tiêu cực ập đến cùng lúc như: Cô đơn, lo lắng, tình trạng thất nghiệp kéo dài,… khiến họ dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, trầm cảm ở nhiều mức độ khác nhau.

Trong bối cảnh gần như chỉ ở trong nhà, người lớn cần tiết chế việc tiếp nhận các thông tin tiêu cực về dịch bệnh, chỉ đọc trên các trang chính thống; kết nối với những mối quan hệ xã hội, cộng đồng để khiến bản thân “bận rộn” hơn; dành nhiều thời gian cho gia đình, người thân và đặc biệt, luôn suy nghĩ, giữ tinh thần tích cực, lạc quan trong cuộc sống.

XUÂN PHÚ