Cảnh giác với chiêu trò lừa đảo bằng công nghệ

Công nghệ thông tin, in-tơ-nét, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ đang tạo ra những giá trị hỗ trợ cho sự phát triển đối với nền kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, lợi dụng sự phát triển đó, nhiều đối tượng xấu đã biến nó thành công cụ để thực hiện các "chiêu trò" lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác.

Nạn nhân mới nhất của các trò lừa đảo là chị T.T.H., ngụ tại TP Thủ Ðức. Buổi chiều, trong khi đang làm việc tại công ty, chị nhận được cuộc gọi từ đầu số 10881119, người gọi tự xưng là cán bộ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19. Sau khi hỏi thăm tình hình sức khỏe của chị và gia đình, cán bộ này xin thông tin tài khoản ngân hàng của chị H.. Trong quá trình thao tác theo hướng dẫn, rất may chị H. chợt nhớ đến các vụ lừa đảo qua điện thoại nên đã cúp máy. Hay như chị T., công nhân vệ sinh một công ty tại quận 1. Khi đang làm việc, chị nghe cuộc điện thoại từ số lạ xưng là cán bộ Bộ Công an đang xác minh một vụ án buôn bán ma túy lớn. Nghe tới đó, vì quá lo sợ bị liên lụy nên chị T. đã răm rắp làm theo những gì bọn chúng yêu cầu. Kết quả, chị đã bị mất 70 triệu đồng tiền tiết kiệm bấy lâu nay trong tài khoản ngân hàng.

Theo xác minh của các cơ quan chức năng, từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 đã thiết lập tổng đài 18001119 để hỗ trợ khai báo y tế cho người dân. Lợi dụng điều đó, các đối tượng đã thiết lập đầu số na ná 10881119, 01881119,… để lấy thông tin và lừa đảo tài sản của người dân. Thời gian qua, cơ quan chức năng đã tiếp nhận rất nhiều tin tố giác của người dân về việc họ đã bị đối tượng xấu lừa đảo. Thực tế, trong thời gian TP Hồ Chí Minh đang giãn cách xã hội, nhiều đối tượng rành công nghệ đã "hack" tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber,…), lấy thông tin của khách hàng rồi chiếm đoạt tài sản của nạn nhân, thậm chí cả những người quen biết nạn nhân.

Các hình thức chiếm đoạt qua việc sử dụng công nghệ, mạng xã hội, gọi điện thoại,… đã xuất hiện từ nhiều năm qua, song mỗi ngày, số lượng người mắc bẫy bọn lừa đảo vẫn liên tiếp tăng. Có thể thấy, nạn nhân của các vụ lừa đảo, chiếm đoạt thường là những người có tâm lý chủ quan, thiếu thông tin, hiểu biết cho nên rất dễ sập bẫy.

Bên cạnh việc cơ quan chức năng đấu tranh với tội phạm công nghệ cao thì việc người dân nâng cao ý thức cảnh giác vẫn là yếu tố quyết định. Ngoài các giải pháp nghiệp vụ như phối hợp các ngân hàng kích hoạt biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức chuyển khoản thì các cơ quan chức năng cần triển khai tuyên truyền, cảnh báo đến từng người dân. Người dân tuyệt đối không tiết lộ mã pin, mã OTP, mật khẩu… cho người khác. Mỗi người dân cần trang bị kiến thức sử dụng in-tơ-nét, mạng xã hội thông minh. Cần kiểm tra tính chính thống của các trang web, đường link, chỉ thực hiện giao dịch trực tuyến trên web chính thức của ngân hàng, các trang có độ bảo mật cao. Với việc Bộ Công an đang triển khai công tác cấp căn cước công dân gắn chíp, để quản lý thông tin, các cơ quan chức năng cần triển khai đồng bộ các giải pháp để vừa bảo mật thông tin công dân vừa quản lý, kiểm soát việc các đối tượng sử dụng thông tin cá nhân của người khác để chiếm đoạt, lừa đảo.

Khi có người nhắn tin hỏi vay tiền, nhờ nạp tiền điện thoại... thì phải gọi điện trực tiếp kiểm tra, xác minh. Tìm hiểu kỹ thông tin khi kết bạn với những người lạ trên mạng xã hội, nhất là những người quảng cáo bán hàng... Ðồng thời, tuyệt đối giữ bí mật thông tin cá nhân, gia đình đối với bất kỳ người lạ nào gọi đến. Trong mọi trường hợp, không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần bình tĩnh, kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.