Cần giải pháp hiệu quả và kiên trì thực hiện

Cuộc vận động “Người dân TP Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh, rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước” được đông đảo người dân thành phố hưởng ứng và đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy vậy, để hành động này trở thành sự tự giác của người dân, một chuẩn mực trong nếp sống văn minh đô thị thì các cơ quan, sở, ngành, địa phương của thành phố vẫn còn nhiều việc phải làm.

Hành vi xả rác bừa bãi là một trong những nguyên nhân làm cho môi trường sống ở các khu dân cư, nơi công cộng bị ô nhiễm nặng nề; khiến cho dòng chảy các kênh, rạch trên địa bàn bị tắc nghẽn gây ngập úng, bốc mùi hôi thối… Với một đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, ô nhiễm môi trường đang là một thách thức lớn, cần có nhiều giải pháp đồng bộ để xử lý.

Bên cạnh giải pháp được triển khai từ các cơ quan chức năng, vấn đề nêu cao ý thức tham gia bảo vệ môi trường, nhất là tại khu dân cư, cần được chú trọng thực hiện. Cuộc vận động nêu trên nhằm huy động cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân thành phố cùng tham gia bảo vệ môi trường sống trong lành cho cả thành phố, cũng là cho từng hộ gia đình, mỗi người dân.

Từ khi cuộc vận động được triển khai, công tác bảo vệ môi trường ở thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống MTTQ, các tổ chức, đoàn thể, các xã, phường, thị trấn của thành phố thường xuyên tổ chức ra quân dọn dẹp vệ sinh; đẩy mạnh tuyên truyền đến từng hội viên, đoàn viên, người dân bằng những việc làm cụ thể. Hàng chục nghìn thùng rác được đặt tại các điểm công cộng, khu dân cư; hàng trăm điểm phát sinh rác thải sai quy định được xóa bỏ; nhiều đoạn kênh, rạch ùn ứ rác thải được khơi thông,…

Tuy vậy, để thay đổi ý thức, hành vi của một bộ phận người dân không thể trong một sớm một chiều. Do vậy, công tác tuyên truyền và triển khai bằng những việc làm cụ thể, cần phải được thực hiện kiên trì, lâu dài. Cần loại bỏ ngay suy nghĩ “hưởng ứng cho có phong trào” còn rơi rớt đâu đó tại một số địa phương, đơn vị.

Chính quyền cấp xã cần tổ chức nhiều hơn các cuộc đối thoại với người dân về vệ sinh môi trường. Khi người dân đã thông tỏ, tự nguyện cùng tham gia thì cuộc vận động sẽ thành công. Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa quan tâm đến giải pháp này khi chỉ có 62 trong số 322 phường, xã, thị trấn của thành phố tổ chức đối thoại với dân, kể từ khi cuộc vận động chính thức được phát động.

Các cơ quan chức năng, địa phương cần hướng việc tuyên truyền đến đối tượng học sinh, sinh viên và huy động lực lượng này cùng tham gia. Nâng cao nhận thức, ý thức tự giác về bảo vệ môi trường cho đối tượng này không chỉ giải quyết cho yêu cầu hiện tại mà còn cho cả tương lai. Học sinh, sinh viên sẽ là những tuyên truyền viên năng nổ, góp phần cùng thành phố đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động ngày càng đi vào chiều sâu.

Để cuộc vận động đạt được kết quả cần sự triển khai đồng bộ, triệt để các giải pháp khoa học trong xử lý môi trường; tăng cường giám sát hành vi vi phạm và xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm về bảo vệ môi trường.