Bảo đảm công tác điều trị trong trạng thái bình thường mới

Sau hơn 10 ngày nới lỏng giãn cách, người dân đã nhanh chóng thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện bình thường mới. Ngày càng nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chợ truyền thống hoạt động trở lại, nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Tuy nhiên, thành phố vẫn còn nhiều ca F0 trong cộng đồng, đó là thách thức buộc người dân phải điều chỉnh thói quen, không được chủ quan và cần phải cảnh giác phòng, chống dịch bệnh hơn nữa. Người dân cần thực hiện nghiêm quy định Chỉ thị 18 của UBND thành phố, thông điệp 5K, giữ khoảng cách giữa người với người và chỉ ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết.

Trên lĩnh vực y tế, thành phố đã xây dựng các lộ trình thích ứng trong điều kiện bình thường mới với mục đích vừa bảo đảm công tác điều trị bệnh thông thường vừa phát hiện và điều trị kịp thời bệnh nhân mắc Covid-19. Cụ thể, ngành y tế TP Hồ Chí Minh đã ban hành hướng dẫn quy trình xử lý gồm bốn bước khi phát hiện ca mắc Covid-19 tại các cơ sở y tế phù hợp yêu cầu trong tình hình mới gồm: cách ly tạm F0, đánh giá tình trạng sức khỏe của F0 để đưa ra hướng xử trí, cách ly, điều trị phù hợp, nhập thông tin F0 vào ứng dụng “Hệ thống Quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19” và chăm sóc F0. Đối với các phòng khám chưa đủ điều kiện xét nghiệm SARS-CoV-2, khi phát hiện người bệnh có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 lập tức liên hệ và hướng dẫn người bệnh đến các bệnh viện để được tầm soát theo quy định.

Sở Y tế cũng tham mưu UBND thành phố thành lập tại mỗi quận, huyện một bệnh viện dã chiến với số giường từ 300 đến 500; trong đó, có 30 đến 50 giường trang bị oxy để sẵn sàng đáp ứng khi có sự cố xảy ra, song song với việc chuyển đổi dần công năng của các bệnh viện tuyến quận, huyện để bảo đảm thực hiện công tác điều trị bệnh cho người dân. Ngoài ra, để đáp ứng công tác điều trị bệnh nhân nặng khi lực lượng tăng cường rút về, thành phố đã giữ lại ba bệnh viện dã chiến số 13, 14, 16 cũng như sẵn sàng tiếp nhận ba trung tâm hồi sức tại các bệnh viện dã chiến này do những bệnh viện Trung ương phụ trách. Theo đó, thành phố sẽ xây dựng mô hình bệnh viện ba tầng tại các bệnh viện dã chiến nhằm kịp thời điều trị cho các bệnh nhân nặng, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.

Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng có thể khẳng định ngành y tế cả nước nói chung và ngành y tế thành phố nói riêng đã đứng vững trước cơn bão “Covid-19” trong suốt gần năm tháng qua. Tuy nhiên, sự tàn phá khủng khiếp của đại dịch Covid-19 cũng cho thấy những bất cập, yếu kém của hệ thống y tế thành phố trong suốt nhiều năm qua, nhất là hệ thống y tế cơ sở. Chính vì thế, để đáp ứng nhu cầu chăm sóc người dân trong điều kiện vi-rút SARS-CoV-2 vẫn còn tồn tại trong cộng đồng, thành phố cần củng cố nguồn nhân lực, trang thiết bị của hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là trạm y tế phường, xã, thị trấn, cũng như cần duy trì hoạt động của trạm y tế lưu động.

Thành phố cần đầu tư công tác y tế dự phòng, nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng cơ chế hoạt động phù hợp để chủ động, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch có hiệu quả. Ngoài ra, việc tái cấu trúc lại bộ máy, cơ sở vật chất của các bệnh viện và cơ sở y tế khác phải thực hiện một cách đồng bộ, phù hợp để sẵn sàng đảm nhận hai chức năng quan trọng, đó là điều trị bệnh nhân Covid-19 và bệnh nhân không Covid-19 trong giai đoạn bình thường mới hiện nay.