Đà giảm chiếm ưu thế đối với giá hàng hóa nguyên liệu thế giới

NDO - Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc ngày giao dịch hôm qua (14/11), chỉ số MXV-Index giảm nhẹ 0,4% xuống mức 2.527 điểm. Sắc đỏ chiếm ưu thế trên cả 3 nhóm: nông sản, nguyên liệu công nghiệp và năng lượng. Trong khi đó, kim loại là nhóm mặt hàng duy nhất vẫn đón nhận lực mua áp đảo trong ngày hôm qua.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Dòng tiền đầu tư trong nước tiếp tục ghi nhận mức gia tăng đáng kể. Đóng cửa, giá trị giao dịch toàn Sở tăng gần 25% so ngày trước đó, đạt mức 6.700 tỷ đồng. Trong đó, tính riêng thị trường năng lượng, dòng tiền chiếm đến gần 50% tổng giá trị giao dịch kể trên.

Đà giảm chiếm ưu thế đối với giá hàng hóa nguyên liệu thế giới ảnh 1

Dầu thô giảm mạnh trong phiên đầu tuần

Giá dầu giảm trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần, sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hạ dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới trong năm 2022 và 2023. Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/11, giá WTI giảm 3,47% xuống 85,87 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 2,97% xuống 93,14 USD/thùng.

Đà giảm chiếm ưu thế đối với giá hàng hóa nguyên liệu thế giới ảnh 2

Trong phiên sáng, đã có lúc giá WTI tiệm cận mức 90 USD. Việc Trung Quốc đưa ra kế hoạch để trợ giúp ngành bất động sản, “đầu tàu” tăng trưởng cho nền kinh tế nước này khiến giới đầu tư tin rằng nước này đang lấy mục tiêu tăng trưởng kinh tế làm trọng tâm. Kinh tế phục hồi sẽ là điều kiện giúp cho tiêu thụ các mặt hàng trong nhóm năng lượng, kim loại gia tăng.

Tuy vậy, lực bán quay trở lại thị trường trong phiên tối khi lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu tại Trung Quốc sẽ sụt giảm trong ngắn hạn.

Trong khi đó, trong báo cáo thị trường dầu tháng 11 mới nhất, OPEC đã cắt giảm dự báo tiêu thụ nhiên liệu toàn cầu trong cả năm nay và năm sau ở mức 100.000 thùng/ngày. Đặc biệt, OPEC hạ nhu cầu tiêu thụ dầu trong quý IV năm nay khoảng 400.000 thùng/ngày, do kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ suy yếu ở Trung Quốc và các khó khăn trong kinh tế mà châu Âu gặp phải. Nhóm cũng cho biết trong quý II và quý III, thị trường đã thặng dư lần lượt 200.000 và 1,1 triệu thùng/ngày. Rủi ro lớn nhất mà thị trường đang phải đối mặt bao gồm: lạm phát cao, chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương, mức nợ công cao ở nhiều khu vực, thắt chặt thị trường lao động và những bất ổn trong chuỗi cung ứng. Các thông tin tiêu cực trong phiên tối đã đẩy giá dầu xuống mức thấp nhất trong vòng 3 tuần.

Bên cạnh đó, tâm lý lo ngại rủi ro gia tăng trở lại cũng gây sức ép lên thị trường chung. Dòng tiền đang phân bổ một phần từ thị trường rủi ro sang tài sản trú ẩn, với thị trường chứng khoán, tiền điện tử đều ghi nhận mức giảm, trong khi Dollar Index tăng trở lại.

Cà-phê Arabica gặp áp lực trước dữ liệu xuất khẩu tích cực của Brazil

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần 14/11, sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp.

Arabica ghi nhận mức giảm 2,29%, trước những thông tin tích cực từ nguồn cung. Theo báo cáo của Brazil, xuất khẩu cà-phê trung bình hàng ngày trong 2 tuần đầu của tháng 11 đạt 11.400 bao loại 60kg, cao hơn mức 9.200 của cùng kỳ năm ngoái, cho thấy quốc gia xuất khẩu số một thế giới đang đẩy mạnh nguồn cung ra thị trường. Cùng với đó, tồn kho đạt chuẩn của Arabica trên Sở ICE US vẫn ghi nhận đà tăng và sẽ tiếp tục là yếu tố gây áp lực lên giá.

Đồng Dollar Mỹ khởi sắc trong phiên hôm qua đã khiến bông Mỹ trở nên đắt hơn đối với khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác, khiến lực mua trên thị trường suy yếu, từ đó gây áp lực lên giá. Theo báo cáo Tiến độ mùa vụ của Bộ Nông nghiệp Mỹ mới công bố sáng nay, tiến độ thu hoạch tại Mỹ nói chung và bang Texas nói riêng vẫn ghi nhận tiến độ cao vượt trội so mức cùng kỳ năm ngoái và trung bình 5 năm. Đây có thể tiếp tục là nhân tố gây áp lực lên giá trong phiên hôm nay.

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần dầu cọ thô giảm mạnh hơn 4% do đồng Ringgit mạnh lên. Đồng Ringgit tăng 0,7% so với đồng Dollar Mỹ và là phiên tăng thứ 2 liên tiếp. Điều này khiến giá dầu cọ trở nên đắt đỏ hơn đối với các khách hàng nắm giữ đồng Dollar Mỹ, từ đó gây áp lực lên giá. Bên cạnh đó, Ấn Độ cho biết, trong niên vụ 2021/2022, quốc gia này đã nhập khẩu dầu cọ ít hơn 4,8% so cùng kỳ năm ngoái do việc Indonesia hạn chế xuất khẩu trước đó.

Ở chiều ngược lại, đường tiếp nối đà tăng từ tuần trước với mức tăng lần lượt 0,97% với đường 11 và 0,35% với đường trắng. Lo ngại về nguồn cung trong ngắn hạn do thời tiết mưa tại Brazil khiến hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng tiếp tục hỗ trợ giá, giúp đường 11 chạm mức cao nhất trong 5 tháng gần đây.

Đà giảm chiếm ưu thế đối với giá hàng hóa nguyên liệu thế giới ảnh 3

Việt Nam giữ vững vị thế là quốc gia cung ứng cà-phê hàng đầu thế giới

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá cà-phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ giảm 400 đồng/kg. Theo đó, giá cà-phê tại các khu vực trọng điểm trong nước được thu mua ở mức giá 39.600-40.100 đồng/kg.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cà-phê trong tháng 10 vừa qua của nước ta đạt hơn 79,8 nghìn tấn, trị giá 206,9 triệu USD, giảm 13,7% về lượng và giảm 8,5% về trị giá so tháng trước đó do chưa chính thức bước vào giai đoạn thu hoạch của mùa vụ mới.

Tuy nhiên, tính chung 10 tháng, xuất khẩu cà-phê vẫn đạt mức tăng trưởng 10,8% về lượng và tăng 33,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,4 triệu tấn, với giá trị lên đến gần 3,28 tỷ USD. Như vậy, mới hết tháng 10 nhưng kim ngạch xuất khẩu cà-phê của nước ta đã vượt 0,2 triệu USD so với mức 3,07 tỷ USD của cả năm 2021.

Nhìn chung, ngành cà-phê nước ta đã có một năm thành công với cả giá bán và sản lượng đều đạt các mức cao nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây và tiếp tục giữ vững vị thế là quốc gia cung ứng cà-phê hàng đầu thế giới.