Phòng cháy, chữa cháy

Đã đến lúc không thể chần chừ

Nhắc tới vụ cháy quán karaoke mới đây trên phố Quan Hoa, quận Cầu Giấy (Hà Nội) khiến ba cán bộ, chiến sĩ cảnh sát hy sinh, cảm xúc đọng lại ở nhiều người là thương tiếc, xót xa. Tinh thần quả cảm, anh dũng, vì nhân dân quên mình của các liệt sĩ hối thúc mỗi người, mỗi đơn vị cần chung tay và trách nhiệm hơn nữa trong phòng, tránh những mối họa từ "bà hỏa".
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng chức năng tiếp cận xử lý vụ cháy tại quán karaoke trên phố Quan Hoa (Hà Nội). Ảnh: HOÀN THƯ
Lực lượng chức năng tiếp cận xử lý vụ cháy tại quán karaoke trên phố Quan Hoa (Hà Nội). Ảnh: HOÀN THƯ

Thiếu kỹ năng và ý thức

Đây không phải lần đầu xảy ra cháy tại quán karaoke. Năm 2016, trên địa bàn quận Cầu Giấy từng xảy ra hai vụ cháy quán karaoke, trong đó vụ cháy tại quán karaoke, địa chỉ 68 Trần Thái Tông khiến 13 người tử vong. Khi đó, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu tạm dừng cấp phép karaoke để rà soát và đến nay vẫn chưa cấp thêm giấy phép nào. Tuy nhiên, nhìn rộng ra, công tác phòng cháy, chữa cháy ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke cũng như các công trình nhà cao tầng, chợ tạm, nhà xưởng, khu dân cư… tại Hà Nội vẫn còn nhiều bất cập. Mỗi năm, địa bàn thành phố xảy ra hàng chục vụ cháy lớn, gây thiệt hại nặng nề về người và của.

Theo thống kê của UBND thành phố Hà Nội, tính đến cuối năm 2021, thành phố có 2.878 công trình vi phạm quy định, chưa nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào sử dụng, trong đó 492 công trình đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 có hiệu lực; 2.386 công trình vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy hoạt động từ sau năm 2001. Để không phát sinh công trình vi phạm thật sự là bài toán nan giải.

Ông Cao Tiến Phú, Giám đốc Trung tâm Vật liệu chịu lửa và chống cháy (Viện Vật liệu Xây dựng, Bộ Xây dựng) nhìn nhận, ý thức chấp hành pháp luật về phòng cháy của người dân chưa cao. Nhiều người rất mông lung trước những mối nguy hiểm về cháy nổ tại nơi làm việc, nơi ở và các biện pháp phòng ngừa. Cùng góc nhìn này, Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) cho biết thêm, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy hiệu quả chưa cao. Nhiều người dân vẫn chủ quan, chưa bố trí thời gian tham gia các lớp tập huấn nên khi xảy ra cháy không biết xử lý tình huống ra sao.

Nhìn từ góc độ của an toàn lao động, TS Nguyễn Anh Thơ, Quyền Viện trưởng Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), chua xót: "Vì thiếu kiến thức nên nhiều người "điếc không sợ súng". Vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng tại hai quán karaoke thời gian qua xuất phát từ việc công nhân hàn xì, sửa chữa thiếu kỹ năng trong phòng cháy, chữa cháy. Nếu họ có kiến thức, có sự phòng tránh, che chắn kỹ càng thì đã chẳng xảy ra những sự việc đau lòng".

TS Nguyễn Anh Thơ khuyến cáo: "Khi quán đã hàn xì, sửa chữa thì không nên cho khách vào quán hát để bảo đảm an toàn. Khách đến hát thấy quán đang sửa chữa, hàn xì thì cũng không nên vào phòng. Vụ cháy đau lòng lần này đặt ra vấn đề bức thiết, phải nghiêm túc nhìn nhận về công tác phòng cháy, chữa cháy".

Không "đánh trống bỏ dùi"

Mấy năm qua, các cơ quan chức năng Hà Nội đã có nhiều hoạt động, kế hoạch nhằm có những giải pháp hiệu quả hơn trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Tính đến đầu tháng 4/2021, Hà Nội đã hoàn thành việc bàn giao danh sách cơ sở thuộc danh mục do UBND cấp xã quản lý về phòng cháy, chữa cháy theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ. Việc này nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, phân cấp rõ các cơ sở thuộc diện quản lý, đáp ứng nhu cầu quản lý địa bàn về phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần giải quyết được bài toán nhân lực, bởi hiện nay cấp xã chưa có cán bộ chuyên trách quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy.

Vừa qua, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực. Đây là một trong những biện pháp tạo cơ sở pháp lý, giúp xử lý hiệu quả cơ sở không bảo đảm yêu cầu phòng cháy, chữa cháy. Ông Lê Văn Hoạt, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng, Hà Nội cần rà soát lại những vụ cháy để tìm ra nguyên nhân chính và xử lý kịp thời. Cũng cần rà soát việc thực thi các chỉ đạo của thành phố, việc giám sát của Hội đồng nhân dân, tránh tình trạng "đánh trống bỏ dùi", làm ào lên một thời gian, rồi bỏ đó. Các quy định cần chi tiết, cụ thể, dễ thực hiện chứ không nên quy định chung chung.

Đối với công tác phòng cháy, chữa cháy, điều khiến cộng đồng lo lắng nhất là các loại công trình nhà xây mới đông người ở, làm việc, nhất là tòa nhà cao tầng. Về điểm này, giám đốc Trung tâm Vật liệu chịu lửa và chống cháy khuyến nghị, từ khâu thiết kế đã phải tuân thủ các quy định của các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật về kết cấu, kiến trúc, giao thông, nguồn nước, hệ thống báo cháy, chữa cháy, chiếu sáng thoát nạn,… Và tiếp đó không thể không nhắc đến việc bảo đảm thiết kế trong xây dựng, nghiệm thu và vận hành.

Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả phòng cháy, chữa cháy, Đại tá Lê Quang Hải, Phó hiệu trưởng Trường đại học Phòng cháy chữa cháy nhấn mạnh đến việc, cần rất nhiều biện pháp từ phía lực lượng chức năng như quản lý, xử lý vi phạm; tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân; cần sự phối hợp tốt của bên quản trị tòa nhà; xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, chính quy, tinh nhuệ, làm chủ thiết bị phòng cháy, chữa cháy…

Cách đây ít ngày, Bộ Công an đã thành lập Hiệp hội Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Hiệp hội sẽ là cầu nối giữa nhân dân và nhà nước trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, qua đó đưa pháp luật, chủ trương đến gần nhân dân hơn, đồng thời thực hiện phản biện xã hội để giúp nhà nước làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy.