Đa dạng hóa các sản phẩm truyền hình tuyên truyền về đồng bào dân tộc thiểu số

NDO -

Chiều 13/12, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc, Đài Truyền hình Việt Nam đã tổ chức hội nghị đánh giá hoạt động phối hợp công tác từ năm 2019 đến năm 2021 và ký kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021-2025.

Hai cơ quan ký kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021-2025.
Hai cơ quan ký kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021-2025.

Chủ trì hội nghị có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Lê Ngọc Quang. Tham dự còn có lãnh đạo các đơn vị trực thuộc 2 cơ quan.

Trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2021, Ủy ban Dân tộc và Đài Truyền hình Việt Nam đã phối hợp tổ chức truyền thông nhiều chương trình, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình thuỷ lợi, điện, trường học, trạm xá đồng thời tuyên truyền nhiều chương trình về đào tạo và nâng cao năng lực cho cán bộ xã, thôn, bản; đào tạo nghề cho thanh niên, biểu dương các mô hình khuyến nông cơ sở áp dụng các tiến bộ về kỹ thuật sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi từ đó đã dần “thay đổi nếp nghĩ, cách làm” của đồng bào dân tộc thiểu số. 

Hai bên chú trọng truyền thông bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết của nhiều dân tộc thiểu số. Tuyên truyền biểu dương người tốt, việc tốt và nhân rộng các điển hình tiên tiến; quảng bá, giới thiệu về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú của các dân tộc... 

Đặc biệt, trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, từ năm 2020 đến nay, Ủy ban Dân tộc đã tiến hành thống kê số người dân tộc thiểu số đi lao động phổ thông qua biên giới trở về địa phương; số hộ nghèo, cận nghèo, hộ neo đơn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 có nguy cơ bị thiếu đói, giáp hạt cung cấp cho Đài Truyền hình Việt Nam để đăng tải trên các kênh sóng; từ đó đề xuất những kiến nghị cụ thể về hỗ trợ vật chất, tinh thần; hỗ trợ sản xuất, sinh kế; các điều kiện phòng, chống dịch bệnh… cho đồng bào các dân tộc.

Tại hội nghị, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Lê Ngọc Quang nhận định, chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc của Đài Truyền hình Việt Nam được chú trọng, tăng cả số lượng đài và thời lượng phát sóng; riêng kênh sóng của Ban Truyền hình tiếng dân tộc (VTV5) đã sản xuất, phát sóng 22 thứ tiếng dân tộc thiểu số. Đài Truyền hình Việt Nam quan tâm và đầu tư mạnh về tuyên truyền và truyền thông trên môi trường số nhằm tăng độ phủ sóng ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Đa dạng hóa các chương trình, sản phẩm truyền hình với nhiều hình thức thể hiện đơn giản, dễ hiểu phù hợp với đối tượng là đồng bào các dân tộc.

Phát huy những kết quả đạt được, trong giai đoạn 2021-2025, 2 cơ quan tập trung phối hợp thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Xây dựng các chuyên mục trên các kênh đa phương tiện của Đài Truyền hình Việt Nam bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số về mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia đến mọi cấp, mọi ngành, các tầng lớp dân cư và người dân tộc thiểu số nhằm thay đổi và tạo chuyển biến nhận thức trong công tác dân tộc, chính sách dân tộc.

Truyền thông, tuyên truyền nội dung quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết nhằm hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, du canh, du cư, di cư tự do; giải quyết sinh kế tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường và củng cố an ninh, quốc phòng. Thông tin đầy đủ, kịp thời tình hình dư luận xã hội, tâm tư nguyện vọng của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo trong việc tổ chức thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước và Ủy ban Dân tộc.

Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng những chương trình chuyên sâu, chuyên biệt; chú trọng phối hợp tổ chức các sự kiện, các hoạt động tôn vinh, biểu dương cần được chú trọng hơn trên các kênh sóng của Đài Truyền hình Việt Nam, đặc biệt là trên kênh sóng của Ban Truyền hình tiếng Dân tộc.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh, những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có vai trò đóng góp quan trọng của các cơ quan truyền thông trong đó có Đài Truyền hình Việt Nam.

Với những nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới, đồng chí Hầu A Lềnh đề nghị chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2025 cần xây dựng chương trình khung theo từng giai đoạn, có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.