Chỉ tại... bệnh sĩ

NDO - Ðã mấy ngày nay rồi, đơn vị tôi không còn một đồng để đong gạo, vì quân lương của trung đoàn đi lấy tiền chưa về cho nên mỗi bữa anh em chỉ được ăn vài củ khoai cầm hơi.

Là người phụ trách đơn vị, ngày nào tôi cũng phải về trung đoàn để chờ tiền. Sáng hôm ấy, tôi đang chuẩn bị lên đường thì đồng chí cấp dưỡng đem đến ba củ khoai bằng ngón chân cái và bảo: 'Như em đã báo cáo với anh tối hôm qua, nếu hôm nay mà không lấy được tiền, thì anh em đều phải nhịn. Số khoai còn lại chỉ đủ cho mấy đồng chí ốm, nhưng thấy anh đói mà ngày nào cũng phải đi về hàng hai chục cây số, cho nên em dành riêng cho anh mấy củ để lấy sức mà đi'.

Nhận ba củ khoai, tuy đang đói nhưng tôi không dám ăn ngay, mà bỏ vào túi dết và định trên đường đi sẽ kiếm thêm nắm rau má, để ăn độn vào cho đầy bụng. Khoảng giữa trưa, tôi gặp ba em học sinh gái tuổi khoảng 16, 17, có lẽ mới đi học về đang ngồi nghỉ ở gốc cây. Thấy tôi, các em reo lên và chạy ùa ra, em đằng trước, em đằng sau như có ý cầm chân tôi lại. Rồi ríu rít như bầy chim và lên tiếng... Anh bộ đội ơi, giúp chúng em với nhé. Tôi hơi ngỡ ngàng và bảo: Các em cần anh giúp cái gì, thì trước hết phải trình bày cho rõ đầu đuôi, để xem anh có giúp được không đã chứ. Thế là một em vẻ lanh lợi bảo:

- Anh ạ, để chào mừng ngày Quốc khánh, trường chúng em có tổ chức thi cắm trại, trong đó có tiết mục thi hát. Ðã gần đến ngày rồi, chúng em đi xin mãi, mới được bài Bắc Sơn mà chúng em thích. Nhưng người cho, lại không biết dạy hát, nên chúng em cứ phải hát mò, nghe nó chẳng ra làm sao cả, vậy anh dạy chúng em với nhé.

Tuy đang đói mệt, nhưng thấy các em năn nỉ lại sẵn có máu văn nghệ, thế là tôi nhận lời. Tiếp thu nhanh, chỉ một lúc, các em đã hát đạt yêu cầu. Tôi bảo các em tạm nghỉ. Một em gọi:

- Anh ơi, mau lại đây, không hai đứa nó ăn hết khoai của anh rồi.

- Anh ơi, sao đi công tác, anh không đem cơm nắm đi mà ăn có hơn không, mà lại ăn khoai thì đói chịu làm sao được. - Một em gái hỏi tôi.

Tôi bịa: Sáng nay, anh ăn cơm rồi mới đi. Ngang đường gặp bà bán khoai, anh mua một hào để ăn chơi. Tôi vừa nói xong, thì một em reo lên... Ô, thế thì anh cho các em nhé. Thế là các em tranh nhau chọn củ to, rồi cười vui vẻ và ăn một cách ngon lành, lại khen... sao anh khéo thế, biết chúng em có ba đứa, cho nên để lại đúng ba củ. Tôi điếng cả người, ôi thế là tôi lại phải nhịn.

Ăn xong, các em hát lại vài lần, rồi lưu luyến chào tôi ra về, và không quên mời anh đến nhà chơi, nếu khi nào có dịp...

Các em đi rồi, bụng tôi cứ sôi lên ùng ục, như là biểu tình để phản đối... đã đói thắt ruột, có mấy củ khoai lại cho đi, mà các em thì con gái đã 16, 17 tuổi ở thời điểm 1948 mà vẫn được cắp sách đến trường thì đâu phải là con nhà nghèo. Khoai không còn, cho nên đành phải an ủi cái bụng bằng nắm rau má, để nó dịu đi cơn phẫn nộ.

Tôi về đến trung đoàn, tạm ứng được tiền rồi cấp tốc ra về. Ði được vài cây số, thì mắt tôi hoa lên và chân lảo đảo xiêu vẹo vì đói. Ðã mấy lần, tôi định mua bơ gạo, rồi vào nhà dân nấu nhờ cơm, để ăn cho đỡ đói mà về. Nhưng lại nghĩ đến anh em đang ôm bụng 'trông mẹ về chợ', tôi lại cưỡng được cái đói, và cuối cùng thì cũng về đến đơn vị. Lúc đó, tôi chỉ đủ sức để giao vội số tiền cho anh nuôi, rồi gục xuống... Ôi, hậu quả của cái bệnh 'sĩ'... mà tôi phải gánh chịu và nhớ đời!