Nhận diện các giá trị

Việc chọn thần tượng cũng giống như thời trang, mỗi người sẽ có một "gu" riêng, và cái "gu" này cũng có thể thay đổi tùy theo thời điểm. Thời nào cũng vậy, những ngôi sao nổi tiếng trong giới nghệ thuật luôn có nhiều người trẻ hướng đến, chọn làm thần tượng, đơn giản vì hình ảnh của họ có ảnh hưởng lớn trong xã hội. Vẻ bề ngoài, phong cách thời trang, cá tính trong nghệ thuật là những yếu tố phù hợp với tâm lý, mong muốn, ước mơ của người trẻ tuổi.

Ca sĩ Hà Anh Tuấn tham gia trồng rừng cùng người dân và lực lượng kiểm lâm trong khuôn khổ dự án Rừng Việt Nam. Ảnh: Dự án Rừng Việt Nam
Ca sĩ Hà Anh Tuấn tham gia trồng rừng cùng người dân và lực lượng kiểm lâm trong khuôn khổ dự án Rừng Việt Nam. Ảnh: Dự án Rừng Việt Nam

Ðừng chọn sai thần tượng

Trang trực tuyến nhachay.vn thống kê, sáu nghệ sĩ Việt dẫn đầu về lượng fan hiện nay là: Sơn Tùng MTP, Đông Nhi, Mỹ Tâm, Phan Mạnh Quỳnh, Soobin Hoàng Sơn, Isaac 365. Trong đó, trang fan page của Sơn Tùng MTP đạt tới hơn 14 triệu lượt theo dõi, trang cá nhân của ca sĩ cũng có hơn hai triệu like-một con số thể hiện sức hấp dẫn cá nhân của nam ca sĩ trẻ tuổi.

Một xu hướng chú ý khác là làn sóng người trẻ hâm mộ các ngôi sao ca nhạc Hàn Quốc, Trung Quốc. Những nhóm nhạc Hàn Quốc như Black Pink, BTS, SNSD, EXO... hay những "nam thần" và "nữ thần" của điện ảnh Trung Quốc như Cảnh Điềm, Địch Lệ Nhiệt Ba, Lý Dịch Phong, Triệu Lệ Dĩnh, Nhậm Gia Luân... cũng đang làm giới trẻ Việt "mất ăn mất ngủ".

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có không ít người trong giới trẻ lại có xu hướng tìm kiếm những hình ảnh giản dị hơn, gần gũi hơn để tôn thờ. Chẳng hạn, trong đại dịch Covid-19, trên các diễn đàn có thể bắt gặp những người trẻ chọn thần tượng cho mình là một vị bác sĩ cụ thể đang vất vả ngày đêm trên tuyến đầu chống dịch. Có bạn trẻ chọn anh Vũ Quốc Cường-một tấm gương về làm từ thiện không quản ngại hiểm nguy trong tâm dịch và đã qua đời vì mắc Covid-19.

Thông thường, khi chọn một ai đó để hâm mộ, sùng bái, tôn làm thần tượng, chúng ta thường có xu hướng chọn nhân vật có những giá trị phù hợp với tiêu chí mà mình theo đuổi trong cuộc sống. Thần tượng chắc chắn sẽ có ảnh hưởng ở một mức độ nhất định lên nhận thức, ứng xử, văn hóa, lối sống của người hâm mộ.

Đối với người trẻ, việc chọn ai đó làm thần tượng lại càng quan trọng hơn. Bởi, nếu thần tượng ấy có giá trị sống tốt, có hình ảnh đẹp lan tỏa, có ảnh hưởng tích cực trong xã hội thì bạn trẻ cũng học được những điều tích cực, có động lực để trở nên hoàn thiện hơn. Nhưng, nếu chỉ chọn thần tượng theo số đông, theo phong trào, theo cảm xúc nhất thời mà không có sự phân biệt, tỉnh táo của lý trí, rất có thể bạn trẻ phải trả giá đắt khi chạy theo, bắt chước những hành động tiêu cực của người mà mình hâm mộ.

Thực tế có không ít bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường chưa phân biệt được điều này, thậm chí chọn sai người để hâm mộ. Thí dụ họ lựa chọn trở thành fan của những nhân vật "nổi (tai) tiếng" trên mạng xã hội như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền, Huấn Hoa Hồng... mà không hiểu được rằng dù có nhiều người xem và theo dõi, nhưng những nhân vật này không tạo ra được giá trị mới nào đáng kể, thậm chí còn gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới cộng đồng.

Hâm mộ cũng cần chuẩn mực văn hóa

Văn hóa thần tượng được tạo nên từ hai chủ thể là thần tượng và người hâm mộ. Nếu việc giữ gìn hình ảnh đẹp là đòi hỏi sống còn trong văn hóa của người được hâm mộ, thì việc ứng xử văn minh, chuẩn mực là một đòi hỏi cần thiết trong văn hóa người hâm mộ. Để làm được điều này, mỗi người trẻ tuổi phải có một "bộ lọc" tốt, bằng chính hiểu biết, bản lĩnh và sự tỉnh táo của chính mình.

Thời gian vừa qua, chúng ta chứng kiến nhiều câu chuyện không hay liên quan đến những nhân vật nổi tiếng, là thần tượng của giới trẻ.

Scandal của Ngô Diệc Phàm, một nam thần tượng của làng giải trí Hoa ngữ khiến bao fan Việt bàng hoàng. Không ai có thể ngờ đằng sau một hình ảnh đẹp làm xao xuyến hàng triệu con tim là một Ngô Diệc Phàm với những cáo buộc: môi giới tình dục, cưỡng bức phụ nữ và người vị thành niên. Trong làng nhạc Hàn Quốc, nam ca sĩ Seungri, cựu thành viên nhóm nhạc nổi tiếng BIGBANG cũng vướng vòng lao lý với các tội danh như: đánh bạc, môi giới mại dâm.

Trong showbiz Việt, có thể nhắc tới sự vụ ồn ào gần đây liên quan đến ca sĩ Jack. Jack bị bạn gái Thiên An tố cáo chuyện có con với cô nhưng không chịu thừa nhận, có lối sống lăng nhăng, hành vi cư xử bạc bẽo. Sự việc căng thẳng đến nỗi để làm dịu dư luận, nam ca sĩ trẻ phải lên tiếng thừa nhận về những hành xử chưa đúng mực của mình. Đây là những thí dụ cho thấy, thần tượng cũng chỉ là người bình thường, sau những hào quang khiến cho người hâm mộ lóa mắt, có thể vẫn ẩn giấu những hành vi không đẹp.

Ngược lại, ở góc độ người hâm mộ trẻ tuổi, việc tỉnh táo điều chỉnh thái độ, cách thức sùng bái thần tượng cũng vô cùng quan trọng.

Chúng ta chưa quên hình ảnh đám đông người trẻ tuổi cúi xuống hôn ghế ngồi của các thành viên một nhóm nhạc Hàn Quốc khi họ đến Việt Nam biểu diễn. Không hiếm câu chuyện các bạn trẻ bỏ học "cày view" cho sản phẩm mới của thần tượng, rồi mất ăn mất ngủ, thậm chí đòi tự tử khi không được đi gặp thần tượng.

Đáng ngại hơn, khi thần tượng mắc sai lầm nghiêm trọng, họ vẫn bất chấp. Sau câu chuyện của ca sĩ Jack, nhóm hâm mộ ca sĩ này công khai đăng clip trên TikTok: "Nếu Jack sai, chúng em sẽ sai cùng anh". Một nghệ sĩ bị vướng lùm xùm trong vấn đề minh bạch từ thiện, fan vẫn sẵn sàng "gây hấn", bảo vệ thần tượng bằng mọi cách, kể cả tấn công, chửi rủa, mạt sát bất cứ ai dám chê thần tượng của mình. Vì thần tượng, người hâm mộ không ngại ngần bao che, tìm cớ hợp lý hóa cái sai, thậm chí vi phạm pháp luật. Ở đây, không khó để nhìn ra thực trạng "fan nào, thần tượng đó", hoặc ngược lại.

Những ứng xử lệch lạc này làm rất nhiều bậc phụ huynh không giấu được nỗi lo lắng với hiện tượng "cuồng thần tượng" trong một bộ phận giới trẻ hiện nay. Coi thần tượng là tất cả cuộc sống, tôn thờ mù quáng, phóng đại quá mức các khả năng của thần tượng hay thần thánh hóa thần tượng sẽ dẫn tới muôn vàn hệ lụy tiêu cực cho giới trẻ. Kết quả là nhiều bạn học hành sa sút, đời sống tâm lý mất cân bằng, không thiết tha với cuộc sống, ảo tưởng về bản thân, thậm chí tệ hơn-phải nhập viện vì sức khỏe tâm thần.

Tôn sùng một người là tiếp cận và thẩm thấu giá trị của người đó có, từ đó tạo ra nền tảng giá trị của riêng mình, hoàn toàn không phải chuyện chỉ là khóc cười theo thần tượng, bắt chước sao cho giống thần tượng, lóa mắt bởi vẻ bên ngoài của thần tượng. Để có được "chiếc áo giáp" tự bảo vệ mình, không bị cuốn vào cơn lốc "cuồng thần tượng" đến mức mê muội, mù quáng, mỗi bạn trẻ cần phải được giáo dục từ trong gia đình đến nhà trường, để có thể nhận diện các giá trị thực chất chứ không phải phong trào hay a dua cho bằng bạn bằng bè, hoặc chỉ để "thể hiện đẳng cấp" một cách bồng bột.