Cuộc khủng hoảng chưa chấm dứt

Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa đồng thuận về việc áp giá trần đối với dầu mỏ nhập khẩu vận chuyển qua đường biển từ Nga theo mức giá đề xuất của Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) là 65-70 USD/thùng. Do các nước thành viên bất đồng quan điểm, cho rằng mức giá đề xuất này quá thấp hoặc quá cao nên EU đang thúc đẩy tiến trình thảo luận song phương.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: LIU RUI
Biếm họa: LIU RUI

Hồi tháng 9, Bộ trưởng Tài chính các nước G7 đã nhất trí áp giá trần toàn cầu đối với dầu mỏ của Nga và sẽ xem xét thường xuyên để điều chỉnh khi cần thiết, qua đó giúp tăng sự ổn định của thị trường. Theo kế hoạch, giới hạn giá sẽ được áp dụng từ ngày 5/12 tới đối với dầu mỏ và áp dụng từ ngày 5/2/2023 đối với các sản phẩm dầu. Quyết định này là một phần trong các biện pháp trừng phạt nhằm cắt giảm nguồn thu từ dầu mỏ của Nga.

Hiện, EU và Australia muốn áp giá trần đối với dầu mỏ nhập khẩu từ Nga vào ngày 5/12. Tuy nhiên, việc áp giá trần ở mức nào hiện là vấn đề gây tranh cãi. Ba Lan, Litva và Estonia cho rằng mức giá đề xuất của G7 là từ 65-70 USD/thùng sẽ mang lại quá nhiều lợi nhuận cho Nga do chi phí sản xuất chỉ vào khoảng 20 USD/thùng. Ba nước này muốn giảm giá trần xuống bằng mức chi phí sản xuất.

Trong khi đó, CH Cyprus, Hy Lạp và Malta - những nước có ngành vận tải đường biển phát triển có nguy cơ thua lỗ nếu hoạt động vận chuyển dầu xuất khẩu của Nga bị cản trở, lại cho rằng mức giá này là quá thấp và yêu cầu bồi thường cho những thiệt hại kinh doanh mà những nước này phải gánh chịu, cũng như cần có thêm thời gian tiến hành điều chỉnh. Pháp và Đức ủng hộ áp dụng mức giá trần như đề xuất của G7 nhưng quan ngại về khả năng thực thi.

Việc EU xem xét áp giá trần đối với dầu mỏ Nga diễn ra trong bối cảnh liên minh này đang chuẩn bị gói trừng phạt thứ chín nhằm vào Moscow. Khoảng 70-85% khối lượng dầu mỏ xuất khẩu của Nga được vận chuyển bằng tàu chở dầu. Kế hoạch áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga là nhằm ngăn chặn các công ty vận tải, công ty bảo hiểm và công ty tái bảo hiểm vận chuyển dầu mỏ của Nga trên toàn cầu, trừ khi mặt hàng này được bán với giá thấp hơn mức trần do G7 và các nước đồng minh đặt ra. Do các công ty vận tải và bảo hiểm hàng đầu thế giới đều có trụ sở ở các quốc gia thành viên G7, nên việc áp giá trần có thể khiến Nga khó có thể bán dầu mỏ với giá cao hơn. Hiện, dầu mỏ là mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất của Nga, đáp ứng khoảng 10% nguồn cung toàn cầu.

Ngoài chia rẽ về vấn đề áp giá trần với dầu mỏ nhập khẩu từ Nga, các nước thành viên EU còn bất đồng về mức trần giá khí đốt. Tại Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng EU vừa qua, các bên đã không nhất trí được về mức trần giá khí đốt là 275 euro/MWh nhằm giảm thiểu cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu. Mức giá này đi kèm theo rất nhiều điều kiện, đến nỗi mức giá này đã không được áp dụng vào tháng 8 vừa qua khi giá khí đốt tăng vọt trong thời gian ngắn. Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha Teresa Ribeca cho rằng, mức giá trần khí đốt mà EU đề xuất sẽ chỉ khiến giá khí đốt tăng cao hơn, cản trở những nỗ lực kiềm chế lạm phát tăng lên mức cao nhất trong hàng thập kỷ. Kế hoạch giới hạn giá, nếu được thông qua, sẽ bắt đầu từ tháng 1/2023.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo những nỗ lực của phương Tây nhằm áp giá trần đối với dầu mỏ Nga có thể dẫn đến những hậu quả khó lường. Ông nhấn mạnh rằng, những hành động như vậy “trái với các nguyên tắc của quan hệ thị trường và rất có nguy cơ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với thị trường năng lượng toàn cầu”. Tổng thống Vladimir Putin khẳng định, Moscow sẽ không cung cấp bất cứ thứ gì ra nước ngoài nếu điều đó đi ngược lại lợi ích của Nga.

Bất đồng giữa các nước thành viên EU về áp mức giá trần với dầu mỏ nhập khẩu từ Nga và mức giá trần khí đốt cùng các phản ứng cương quyết từ Moscow cho thấy cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu chưa thể giải quyết một sớm một chiều.