Cuộc đua chuyển nhượng kỷ lục

Khép lại kỳ chuyển nhượng mùa hè của bóng đá châu Âu, người ta ghi nhận con số 2,24 tỷ euro mà các CLB Premier League “ném” vào thị trường cầu thủ, mức cao chưa từng có trong lịch sử. Giải Ngoại hạng Anh lúc này thật sự là một sân chơi “bạo vì tiền”, bỏ rất xa các giải vô địch quốc gia khác.
0:00 / 0:00
0:00
Antony (từ Ajax sang Man United) là bản hợp đồng đắt giá nhất của kỳ chuyển nhượng mùa hè.
Antony (từ Ajax sang Man United) là bản hợp đồng đắt giá nhất của kỳ chuyển nhượng mùa hè.

Theo thống kê của Transfermarkt, số tiền Premier League chi ra để chiêu mộ các ngôi sao bằng cả bốn đấu trường sau cộng lại, gồm Serie A (Italia, 749 triệu euro); Ligue 1 (Pháp, 557 triệu euro); La Liga (505 triệu euro) và Bundesliga (Đức, 484 triệu euro). Xét tương quan tài chính giữa mua và bán, giải Ngoại hạng Anh âm tới 1,35 tỷ euro.

Trong tốp 10 đội bóng mua sắm mạnh nhất châu Âu mùa hè vừa rồi, Premier League chiếm ưu thế áp đảo với bảy đại diện. “Chịu chơi” nhất là Chelsea (310 triệu euro), tiếp đó là Man United (261 triệu euro), West Ham (200 triệu euro), Tottenham Hotspurs (186 triệu euro), Nottingham Forest (178 triệu euro), Man City (151 triệu euro) và Wolverhampton (150 triệu euro). Chỉ có ba CLB nước ngoài khác lọt vào danh sách này, gồm Barca (168 triệu euro), PSG (162 triệu euro) và Bayern Munich (151 triệu euro).

Đáng nói, thống kê tốp 10 vẫn chưa thể hiện đầy đủ cuộc đua kim tiền khốc liệt của Premier League, vì đằng sau vẫn còn rất nhiều cái tên “chi đậm” như Arsenal, Newcastle, Liverpool. Thậm chí, Nottingham còn gây chú ý khi mua tới 21 người, số lượng gần đủ cho hai đội hình thi đấu. Trong khi đó, chỉ với ba tân binh Antony, Lisandro Martinez và Malacia, Man United đã đóng góp tới phân nửa trong tổng số tiền bán cầu thủ của cả giải Hà Lan (361 triệu euro). Cũng với chữ ký của Antony từ Ajax Amstersdam, United sở hữu hợp đồng đắt giá nhất kỳ chuyển nhượng (95 triệu euro).

Trong nhiều năm gần đây, giải Ngoại hạng Anh đã thể hiện tiềm lực tài chính hùng mạnh với nhiều bản hợp đồng đắt giá. Nhưng chưa bao giờ sự chênh lệch giữa họ với các đấu trường hàng đầu khác lại lớn đến mức này. Premier League đã trở thành mảnh đất màu mỡ, thu hút hàng loạt tỷ phú khắp nơi đến đầu tư. Mặt khác, họ có nguồn thu cực lớn và ổn định do là giải đấu hấp dẫn nhất thế giới.

Ước tính, mỗi trận đấu tại Premier League có trung bình 40.000 khán giả, với mức vé rất đắt đỏ. Hoạt động kinh doanh, thương mại của mọi CLB đều rất được chú trọng phát triển trong và ngoài nước. Riêng về bản quyền truyền hình, các CLB giải Ngoại hạng Anh được chia đồng đều khoảng 160 triệu euro/mùa, gấp từ ba đến bốn lần hầu hết các đồng nghiệp ở La Liga hay Serie A.

Sau đại dịch Covid-19, trong khi nền bóng đá châu Âu nói chung đều lao đao, nhiều đội bóng khủng hoảng, Premier League vẫn “sống khỏe” và thậm chí còn giàu có lên trông thấy nhờ sự có mặt của các “ông trùm” từ Mỹ và Trung Đông. Cứ đà này, giải Anh nhiều khả năng sẽ tiếp tục bỏ xa sân chơi của các quốc gia khác về danh tiếng, chất lượng và sức hấp dẫn.