Long đong làng nghề

Kỳ 2 Ðể nghệ nhân là người truyền lửa

NNƯT Nguyễn Văn Thành (ngoài cùng bên phải) tiếp nối truyền thống gia đình, nỗ lực phát triển nghề nặn tò he (làng Xuân La, Phú Xuyên, Hà Nội).
NNƯT Nguyễn Văn Thành (ngoài cùng bên phải) tiếp nối truyền thống gia đình, nỗ lực phát triển nghề nặn tò he (làng Xuân La, Phú Xuyên, Hà Nội).

Nghệ nhân chính là linh hồn của làng nghề mà người ta quen gọi là những "báu vật sống". Thế nhưng rất nhiều năm chúng ta chưa làm tròn trách nhiệm với các nghệ nhân, giúp họ tiếp tục có những cống hiến, sản sinh ra những sản phẩm có hàm lượng văn hóa, tinh thần đặc sắc, truyền dạy cho thế hệ sau những ngón nghề tinh túy. Hãy để dòng máu nghệ nhân tiếp tục chảy mãi trong huyết quản của những thế hệ yêu và sống chết với nghề truyền thống.

Thiếu sự công bằng?

Rất nhiều người xứng đáng nhưng chưa được vinh danh, nghệ nhân Nguyễn Văn Ðịnh, làng nghề nặn tò he Xuân La (Phú Xuyên, Hà Nội) đã thốt lên khi những bất cập về công tác xét tặng danh hiệu nghệ nhân tại đây đang bất cập. Ông Ðịnh cho biết, năm 2013 cơ quan chức năng về làng, tổ chức thi và chấm thi tay nghề theo quy định của UBND thành phố Hà Nội, đã thành công, nhưng đến năm 2015 thì lại công nhận và xét trao bằng "Nghệ nhân làng nghề Hà Nội" cho người không làm được bài. Ông Ðịnh cũng chia sẻ thêm, các thí sinh của làng đã kiến nghị với đơn vị tổ chức cuộc thi chấm thi không công bằng, không công bố điểm trực tiếp và cần phải cho kiểm tra lại ngay. Sau đó, Sở Công thương Hà Nội đã mời sáu người lên làm việc và hứa sẽ về thẩm định lại.

Một vấn đề khác nữa, trong lĩnh vực xét công nhận danh hiệu nghệ nhân làng nghề trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc (Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT), Nghệ nhân Nhân dân (NNND), CLB tò he Xuân La đã đề xuất bảy người có tay nghề cao, có cống hiến gồm các ông Ðặng Văn Giát, Nguyễn Văn Ðịnh, Chu Văn Xê, Chu Văn Chiến… nhưng đã xảy ra kiện cáo trong nội bộ CLB. Nghệ nhân Nguyễn Văn Thành cho hay: Chính là do bốn người khác trong CLB mà các thành viên chưa đề xuất gửi hồ sơ đợt này đã tự đi làm đơn, làm hồ sơ và nộp về UBND xã Phượng Dực. Sự việc không được giải quyết từ cơ sở, nên Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã về họp, đề nghị cấp xã giải quyết nội bộ. UBND xã Phượng Dực đã gửi hồ sơ tổng số 11 trường hợp, nhưng không ai được xét.

Bức xúc trước việc một số trường hợp bất hợp tác, NNƯT Nguyễn Văn Thành - Chủ nhiệm CLB tò he Xuân La cho biết: "Chúng tôi buồn vì một số người làm ảnh hưởng đến uy tín của nghề, gây thiệt thòi cho làng. Những trường hợp chúng tôi rà soát là bảo đảm đúng người, có cống hiến theo hướng dẫn của cấp trên. Chúng tôi mong người xứng đáng được quan tâm, chứ không để mạnh ai nấy chạy". Anh Thành kiến nghị: "Qua đây, xin kiến nghị với các cơ quan chức năng xem xét, trả lại tiếng thơm cho làng nghề".

Phải khẳng định rằng, ba năm trở lại đây công tác tôn vinh nghệ nhân mới được quan tâm một cách rốt ráo. Trong khi đó có một thực tế điều này phải được làm tốt hơn từ nhiều năm trước. Sự chậm trễ đó đã dẫn đến chuyện không ít nghệ nhân đã mất đi, không chờ được vinh danh, gây ra biết bao tiếc nuối. Nghệ nhân Lê Văn Kinh nổi tiếng về thêu tay ở xứ Huế, tâm sự, dù không được vinh danh, thì bản thân ông vẫn làm việc, vẫn truyền dạy hăng say. "Chuyện vinh danh hay không chỉ là khích lệ. Người giỏi nghề thì vẫn sống tốt", ông Kinh nói.

Ðừng vinh danh rồi để đấy

Nghệ nhân - theo cách gọi của UNESCO là "báu vật nhân văn sống" - rất cần được xã hội ghi nhận. Ðến nay Nhà nước mới công nhận được hơn 600 NNƯT, 17 NNND. Ðến năm 2018 thì mới đến lần xét, phong tặng NNND và NNƯT lần thứ hai. Trong đó ở lĩnh vực làng nghề cả nước có 105 NNƯT.

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, mấy năm nay, các cơ quan chức năng đã tiến hành xét duyệt, trao tặng danh hiệu cho các nghệ nhân. Nhưng rõ ràng chúng ta đã vinh danh rồi để đấy. Ông Dần nêu bất cập: "Chúng ta chưa có chính sách sử dụng họ, giúp các nghệ nhân có điều kiện cống hiến, "nhả tơ", chưa có nơi trưng bày và nơi để các nghệ nhân gặp gỡ. Ngoài ra lễ trao bằng cũng chưa được tổ chức chu đáo, đúng hơn là vinh danh chưa đúng tầm".

Theo các chuyên gia, nghệ nhân không chỉ nắm bí quyết nghề, mà còn là người trực tiếp truyền nghề, làm ra sản phẩm tinh xảo, góp phần làm tăng trưởng kinh tế cho địa phương. Bởi thế cần phải có nhiều chính sách ưu tiên, "lưu giữ" nghệ nhân, vì lưu giữ nghệ nhân là lưu giữ làng nghề. Trong các quá trình xét duyệt, cần bảo đảm công bằng, cụ thể tại làng tò he Xuân La. PGS, TS Ðặng Mai Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ÐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội cho rằng, nếu quan tâm hơn nữa đến các nghệ nhân, tạo điều kiện cho họ truyền nghề thì làng sẽ "sống", giá trị của nghề được bảo lưu. Bởi các làng nghề thường có tính chất cha truyền con nối. Nếu sống tốt với nghề, giới trẻ là con cháu các nghệ nhân sẽ tiếp tục giữ nghề, và truyền lại cho các thế hệ sau này.

Ðồng quan điểm ấy, nghệ nhân Nguyễn Sự, người gắn bó với nghề thêu tay truyền thống ở Quất Ðộng (Thường Tín, Hà Nội) chia sẻ thêm: "Những người có cống hiến thì đáng được ghi nhận. Nhưng ghi nhận rồi thì cũng cần phải có nơi sinh hoạt chung, giới thiệu sản phẩm làng nghề. Ðằng này, cả khu vực huyện Phú Xuyên, Thường Tín được mệnh là thủ phủ làng nghề của Hà Nội, nơi có mật độ làng nghề nhiều nhất cả nước, nhưng cũng không có một nơi để các nghệ nhân trưng bày, giới thiệu sản phẩm tập trung, góp phần vinh danh nghệ nhân và sản phẩm làng nghề, giúp khách du lịch có những điểm tham quan du lịch, giao lưu văn hóa".

Ðối xử công bằng với nghệ nhân và làng nghề

Cũng nhận thấy những bất cập về việc vinh danh nghệ nhân, ông Lưu Duy Dần cho biết, Hiệp hội Làng nghề đã kiến nghị với các cơ quan chức năng nhiều lần nhưng chưa được lắng nghe. "Giờ chúng tôi tiếp tục kiến nghị, đã đến lúc cần thiết phải xây dựng một khu du lịch làng nghề đủ lớn ở Thường Tín hoặc Phú Xuyên. Tại đó sẽ trưng bày các tinh hoa làng nghề, hội tụ nghệ nhân cả nước và đặc biệt là Hà Nội, xây dựng thêm khu ẩm thực truyền thống, khu giao lưu văn nghệ dân gian. Ở nơi đó, chúng ta sẽ tổ chức tôn vinh các nghệ nhân vào mỗi đợt được các cấp vinh danh, tạo không gian để các nghệ nhân dạy và truyền nghề".

Trước nỗi bức xúc của các nghệ nhân và các làng nghề, phóng viên đã có buổi làm việc với Phòng Kinh tế huyện Thường Tín, đại diện phòng cho biết, nguồn ngân sách đã cấp cho các nghệ nhân đủ điều kiện số tiền 30 triệu đồng, tương ứng với việc dạy nghề cho 50 người; nghệ nhân nào không được cấp tiền thì được mời đứng lớp khuyến công do huyện chủ trì. Ðiều đó giúp nghệ nhân có thêm thu nhập, có cơ hội truyền nghề. Trong các hội chợ, nghệ nhân được miễn phí 100% chi phí gian hàng, hỗ trợ một phần chi phí vận chuyển.

Ở cấp cao hơn, ông Nguyễn Tiến Minh, Bí thư Huyện ủy Thường Tín cho biết, Thường Tín là "đất trăm nghề", có 126 làng nghề, trong đó có 47 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống. Hằng năm, các làng nghề đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động nông thôn, góp phần rất lớn cho Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Huyện đã lập kế hoạch, xây dựng khu văn hóa làng nghề. Dự án đã triển khai từ một năm qua và đang chờ các cấp của thành phố phê duyệt.

Khi làm việc với ông Ðàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, ông cho rằng xã hội đang phát triển nhanh và các nghệ nhân lại thuộc diện… yếu thế. Bởi vậy, chúng ta không thể ban phát cho họ, mà tôn vinh họ bằng tiếng gọi của đạo lý. "Chúng ta phát triển đô thị, đồng nghĩa với việc làm thu hẹp không gian làng nghề, không gian hoạt động của các nghệ nhân. Và chúng ta phải đối xử công bằng với nghệ nhân", ông Thắng nhấn mạnh.

Suy ngẫm lời ông Thắng, tôi tìm về làng gốm Hương Canh (Vĩnh Phúc), trong đôi mắt rưng rưng của nhiều nghệ nhân làng nghề, cảm nhận sự xót xa. Hương Canh gần như bị bỏ lại trước cuộc sống hiện đại. Thiếu không gian, khó tiếp cận vốn vay, thiếu nơi trưng bày khiến các nghệ nhân sống lay lắt. Làm sao chúng ta có thể bình tâm, khi một làng nghề vốn rất nổi tiếng sắp sửa rơi vào quên lãng?

(Còn nữa)

Theo Sở Công thương Hà Nội, tổng doanh thu của các làng nghề truyền thống và các làng có nghề trong năm 2017 đạt hơn 20 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 900.000 lao động. Trong lĩnh vực phát triển thương hiệu, công nhận làng nghề, nghệ nhân, Sở Công thương Hà Nội đã hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu làng nghề Hà Nội năm 2017 cho 10 làng nghề thuộc các quận Hà Ðông, Nam Từ Liêm, Thường Tín, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Trì, Gia Lâm.