Cuộc chiến không tiếng súng

Áp lực gia tăng xuất phát từ căng thẳng chính trị, bạo lực, dịch bệnh… khiến các nước, các tổ chức phải ra quyết định khẩn cấp để đối phó những "cuộc chiến không tiếng súng" này.

Các nước tìm giải pháp ngăn dịch đậu mùa khỉ lan rộng.
Các nước tìm giải pháp ngăn dịch đậu mùa khỉ lan rộng.

1 Quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) rơi vào tình trạng lạnh nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh khi tại Hội nghị cấp cao bất thường ngày 30 và 31/5, các nhà lãnh đạo EU đã thông qua các biện pháp trừng phạt nặng nề nhất nhằm vào Nga. Theo đó, EU ủng hộ lệnh cấm nhập khẩu hai phần ba lượng dầu mỏ từ Nga. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết thêm, các nhà lãnh đạo EU cũng nhất trí loại ngân hàng lớn nhất của Nga Sberbank khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT và cấm thêm ba đài thuộc sở hữu nhà nước Nga. Trước đó, EU thông báo các biện pháp trừng phạt của khối này đối với việc nhập khẩu dầu của Nga qua đường biển sẽ được áp đặt với thời hạn theo từng giai đoạn là sáu tháng đối với dầu thô và tám tháng đối với các sản phẩm dầu tinh chế.

Ngay lập tức, để trả đũa các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt của EU, Tập đoàn năng lượng quốc doanh Gazprom của Nga tuyên bố ngừng cung cấp khí đốt cho Hà Lan từ ngày 31/5 sau khi Hà Lan từ chối thanh toán bằng đồng rúp. Sau khi Moscow đề nghị khách hàng là "các quốc gia không thân thiện" trong đó có nhiều nước thành viên EU thanh toán bằng đồng rúp, Nga đã ngừng cung cấp năng lượng cho Phần Lan,...

2 Dịch đậu mùa khỉ tiếp tục lan nhanh trên khắp thế giới, đòi hỏi các nước phải sớm có biện pháp ngăn chặn. Tính đến đầu tháng 6, hơn 20 quốc gia, những nơi không coi đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu, đã ghi nhận các đợt bùng phát dịch do virus này gây ra, với hơn 300 trường hợp nhiễm được xác nhận hoặc nghi nhiễm, hầu hết ở châu Âu. Giới chuyên gia Anh cảnh báo các lễ hội âm nhạc có thể là sự kiện siêu lây lan bệnh đậu mùa khỉ trong mùa hè, sau khi Anh xác nhận 106 trường hợp mắc bệnh này, đồng thời nhấn mạnh rằng ai cũng có thể là mục tiêu của virus gây bệnh. 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hiện vẫn chưa rõ liệu có thể ngăn chặn hoàn toàn sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ hay không, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng mục tiêu của họ là ngăn chặn sự bùng phát dịch bằng cách ngăn chặn sự lây truyền từ người sang người ở mức tối đa có thể. Những người có nguy cơ cao được khuyến cáo nên tự cách ly tại nhà trong ba tuần và tránh tiếp xúc với trẻ em.

Dưới sức ép phải hành động sau vụ xả súng hàng loạt mới nhất tại Mỹ khiến 21 người thiệt mạng, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ nỗ lực thúc đẩy cải cách quy định về súng đạn. Phát biểu với báo giới tại Washington, Tổng thống Biden cho biết: "Tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy vấn đề này. Tôi nghĩ mọi việc đã trở nên tồi tệ đến mức mọi người đang trở nên lý trí hơn". Theo số liệu thống kê của trang Dữ liệu về bạo lực súng đạn, từ ngày 28 đến 30/5, trên toàn nước Mỹ có ít nhất 126 người thiệt mạng vì súng đạn. Những người ủng hộ kiểm soát súng hy vọng cú sốc sau thảm kịch Uvalde và Buffalo có thể hối thúc các chính trị gia hành động quyết liệt hơn.

Hiện một nhóm các nhà lập pháp thuộc lưỡng đảng của Mỹ đã thảo luận nhằm tìm ra các khía cạnh có thể thỏa hiệp trong vấn đề kiểm soát súng đạn. Theo truyền thông Mỹ, nội dung của cuộc thảo luận tập trung vào đạo luật nâng cao độ tuổi mua súng hoặc cho phép cảnh sát tước súng của những người được coi là có nguy cơ gây án.

Cuộc chiến không tiếng súng -0
Châu Phi đang tìm mọi biện pháp đối phó nguy cơ khủng hoảng lương thực. 

Châu Phi lo ngại thiếu hụt nguồn cung lương thực và đang tìm mọi biện pháp đối phó nguy cơ khủng hoảng lương thực. Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU) đồng thời là Tổng thống Senegal Macky Sall cảnh báo việc EU loại các ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống thanh toán tài chính toàn cầu SWIFT có nguy cơ sẽ làm tổn hại đến nguồn cung lương thực cho lục địa này. Hiện các bộ trưởng trong AU đang xem xét tìm kiếm các giải pháp thích hợp.

Theo Chủ tịch AU, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, các biện pháp trừng phạt lẫn nhau giữa Moscow và phương Tây, cũng như các cuộc xung đột ở châu Phi và biến đổi khí hậu đã khiến giá ngũ cốc thế giới tăng cao và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực ở châu Phi. Sự khan hiếm và chi phí phân bón cao cũng sẽ khiến sản lượng lương thực của châu Phi sụt giảm mạnh. Ước tính, sản lượng thu hoạch ngũ cốc ở châu Phi sẽ giảm 20-50% trong năm nay. Vì thế, AU thúc giục các nước sớm có những biện pháp thích hợp, để tránh một kịch bản thảm khốc về tình trạng thiếu hụt lương thực hoặc giá lương thực tăng cao