“Cuộc chiến” chưa hồi kết

Bà Mary Ng, Bộ trưởng phụ trách Thương mại quốc tế, Xúc tiến xuất khẩu, Doanh nghiệp nhỏ và Phát triển kinh tế của Canada ngày 30/8 cho biết, nước này đã chính thức đệ đơn phản đối các mức thuế quan “không chính đáng và không công bằng” mà Mỹ áp đặt đối với gỗ xẻ mềm của Canada.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: MACKAY
Biếm họa: MACKAY

Theo AP, bà Mary Ng nêu rõ, Ottawa đã đệ đơn phản đối theo hệ thống giải quyết tranh chấp của Thỏa thuận thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA), mà Canada gọi là CUSMA. Theo Bộ trưởng Ng, các mức thuế này gây thiệt hại cho các doanh nghiệp và người lao động Canada và cũng có tác động như thuế đánh vào người tiêu dùng Mỹ, vốn đang phải đối phó lạm phát gia tăng.

Lâu nay, Mỹ đã dựa vào các sản phẩm gỗ xẻ của Canada để đáp ứng nhu cầu trong nước về vật liệu xây dựng chất lượng cao và bền vững. Đầu tháng này, Mỹ đã cắt giảm 50% mức thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng xuống 8,59%, từ mức 17,61%. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ng cảnh báo Canada vẫn sẽ chống lại các biện pháp áp thuế này.

Mỹ và Canada áp dụng các hệ thống khác nhau để tính phí đốn cây. Ở phần lớn các khu vực của Canada, người mua phải trả một khoản phí cho chính quyền các tỉnh để có quyền khai thác. Cốt lõi của việc Mỹ áp thuế đối với xuất khẩu gỗ xẻ của Canada là mức phí trên quá thấp, để sau đó gỗ được bán phá giá vào thị trường Mỹ.

Theo số liệu chính thức của Chính phủ Canada, nước này xuất khẩu gỗ xẻ mềm trị giá khoảng tám tỷ CAD (hơn 6,2 tỷ USD) ra thị trường thế giới mỗi năm và Mỹ là đối tác đơn lẻ lớn nhất. Ngành công nghiệp gỗ mềm là một trong những động lực chính của hoạt động kinh tế trên khắp Canada và là một thành phần thiết yếu của ngành lâm nghiệp nước này, vốn đóng góp hơn 34,8 tỷ CAD (tương đương 26,7 tỷ USD) vào GDP của “xứ sở lá phong” trong năm 2021 và sử dụng khoảng 205.000 lao động.

Vì thế, không chỉ Canada mà ngay cả Mỹ cũng sẽ phải chịu thiệt hại từ việc áp thuế nói trên. Hiện, các nhà sản xuất Mỹ vẫn không thể đáp ứng nhu cầu trong nước nên việc áp các mức thuế với gỗ xẻ mềm tiếp tục cản trở sự phục hồi kinh tế sau đại dịch và làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát ở cả hai nước. Nếu không có giải pháp thỏa đáng, “cuộc chiến” gỗ xẻ mềm giữa Mỹ và Canada sẽ chưa đi đến hồi kết và gây ảnh hưởng về thương mại cho hai bên.