Cuộc chiến chưa chấm dứt

Nước Mỹ vừa tưởng niệm 21 năm ngày xảy ra cuộc tiến công khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001. Đã hơn hai thập kỷ trôi qua, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ đã trải qua nhiều biến động song mầm mống cực đoan vẫn còn tồn tại.
0:00 / 0:00
0:00
Gia đình các nạn nhân tham gia lễ tưởng niệm. Ảnh: NPR
Gia đình các nạn nhân tham gia lễ tưởng niệm. Ảnh: NPR

Cho đến nay, sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001 là vụ tiến công đẫm máu nhất do thế lực bên ngoài gây ra tại Mỹ. Ước tính gần 3.000 người thiệt mạng trong các vụ tiến công liên hoàn. Hơn 300 lính cứu hỏa và cảnh sát thiệt mạng khi tham gia giải cứu nạn nhân mắc kẹt trong tòa tháp đôi WTC. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi đó là “một ngày kinh hoàng và mất mát” khi tham gia lễ tưởng niệm cùng gia đình các nạn nhân hôm 11/9 vừa qua.

Sau vụ tiến công liên hoàn cách đây 21 năm, giới chức Mỹ đã nhanh chóng có những phản ứng mạnh mẽ. Ngay trong năm 2001, với lý do chống khủng bố, Mỹ phát động cuộc chiến tại Afghanistan và dẫn đầu liên minh chống khủng bố toàn cầu. Đến năm 2011, thủ lĩnh tổ chức khủng bố toàn cầu al-Qaeda là Osama bin Laden - kẻ được cho là chủ mưu thực hiện các vụ tấn công ngày 11/9/2001 - đã bị quân đội Mỹ tiêu diệt khi đang ẩn náu tại Pakistan. Kẻ thay thế là Ayman al-Zawahri, cũng là đối tượng chủ chốt từng đứng sau các vụ tiến công năm 2001, cũng mới bị xóa sổ trong vụ tiến công bằng máy bay không người lái của Mỹ tại Afghanistan hồi cuối tháng 7 vừa qua.

Các quan chức quốc phòng Mỹ coi việc tiêu diệt al-Zawahri là một đòn giáng mạnh mẽ nhằm vào al-Qaeda và mang lại an toàn cho nước Mỹ, nhưng các nhà quan sát vẫn luôn hoài nghi về “sự an toàn” này. Cùng với thông báo xóa sổ al-Zawahri, Bộ Ngoại giao Mỹ phát đi cảnh báo “khả năng xảy ra bạo lực chống lại công dân Mỹ cao hơn” và lưu ý rằng, những người ủng hộ al-Qaeda hoặc các tổ chức liên kết có thể tìm cách tiến công trả đũa nhằm vào công dân Mỹ trên toàn cầu.

Sau hơn hai thập niên, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ ở Afghanistan dù đã kết thúc nhưng không mang lại ổn định và hòa bình mà đẩy đất nước này vào vòng xoáy bạo lực, rối loạn và bất ổn. Sự bất ổn đó cũng đang tác động ngược lại với Mỹ. Hiện nay, giới chức an ninh không ngừng cảnh báo Afghanistan có thể trở thành nơi trú ẩn an toàn của những kẻ khủng bố và là mối đe dọa an ninh đối với nước Mỹ. Đó là chưa kể các chiến dịch truy quét thủ lĩnh khủng bố liên tục diễn ra, song cứ mỗi lần “chặt” được một “chiếc vòi bạch tuộc” thì lại có thủ lĩnh mới lên thay thế. Cuộc chiến chống khủng bố vì thế vẫn chưa thể chấm dứt một khi vẫn còn những điểm nóng bất ổn và xung đột.

Những phân tích cũng cho thấy các tổ chức khủng bố tiếp tục lên kế hoạch chống lại lợi ích của Mỹ ở nhiều khu vực và “có thể sử dụng nhiều chiến thuật bao gồm hoạt động tấn công liều chết, ám sát, bắt cóc, không tặc và đánh bom…”, theo trích dẫn báo cáo của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ trên trang NPR. Còn theo CNN, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton gần đây đã lên tiếng cảnh báo sự trỗi dậy chủ nghĩa cực đoan và kêu gọi đoàn kết để hàn gắn chia rẽ trong lòng nước Mỹ. Bà Hillary đã nhắc đến tình trạng chia rẽ, cũng như “không thể cố gắng đối phó với chủ nghĩa cực đoan dưới bất kỳ hình thức nào, đặc biệt là khi sử dụng bạo lực”. Bà nhấn mạnh, khủng bố là hệ quả của chủ nghĩa cực đoan và bóng đen của nó vẫn còn đe dọa lâu dài với người dân và giới chức Mỹ.