Cuộc chạy đua vaccine Covid-19 và cạnh tranh ảnh hưởng giữa các quốc gia

NDO -

Sáng 12/1, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn khoa học “Cuộc chạy đua vaccine Covid-19 và cạnh tranh ảnh hưởng giữa các quốc gia”. Diễn đàn nhằm thảo luận, trao đổi các vấn đề về tác động, vai trò của vaccine Covid-19 đến quan hệ trên thế giới, trong đó có Việt Nam giữa bối cảnh đại dịch.

Toàn cảnh Diễn đàn khoa học “Cuộc chạy đua vaccine Covid-19 và cạnh tranh ảnh hưởng giữa các quốc gia”.
Toàn cảnh Diễn đàn khoa học “Cuộc chạy đua vaccine Covid-19 và cạnh tranh ảnh hưởng giữa các quốc gia”.

Diễn đàn thu hút gần 400 đại biểu đăng ký tham dự, trong đó có 150 đại biểu tham dự trực tiếp với nhiều ý kiến thiết thực. Theo Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Đặng Xuân Thanh, đại dịch Covid-19 là nguồn gây mất an ninh phi truyền thống lớn nhất về y tế và kinh tế. Việc chậm trễ trong chiến dịch tiêm chủng vaccine làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới có động lực lây nhiễm và gây tử vong mạnh hơn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Đông, Viện trưởng Viện Y học Dự phòng quân đội cho biết, hiện trên thế giới đã có 4 công nghệ tạo vaccine Covid-19 khả năng sản xuất đại trà nhanh hơn và đáp ứng nhu cầu khẩn cấp phòng dịch tốt hơn. Giải pháp hiện nay là “tiêm thêm một mũi” với kỳ vọng tăng hiệu quả kháng thể bảo vệ và “phổ rộng” hơn với các biến chủng đang lưu hành.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khuyến nghị, thời gian tới Việt Nam cần tái cơ cấu Quỹ Vaccine phòng Covid-19 với phương hướng tăng cường cơ cấu chi tiêu cho các hoạt động nghiên cứu phát triển vaccine và thuốc phòng Covid-19, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu phát triển vaccine theo hướng tăng lên về quy mô, số lượng các công trình nghiên cứu và chất lượng các nghiên cứu để tạo ra vaccine phòng Covid-19 càng sớm càng tốt. Hoàn thiện cơ chế chính sách ngoại giao vaccine, nhằm gia tăng ảnh hưởng và tăng cường sự gắn kết giữa các quốc gia.

Tại diễn đàn, các nhà khoa học, nhà quản lý và chuyên gia của nhiều bộ, ngành và địa phương đã thảo luận các vấn đề cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn, vai trò thay đổi của các nước lớn trên thế giới chung quanh vấn đề sản xuất và phân phối vaccine; chính sách ngoại giao vaccine của Việt Nam.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng tập trung trao đổi, thảo luận một số vấn đề như: Đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đến thế giới trong năm 2021 nói chung, các nước đang phát triển và Việt Nam nói riêng. Phân tích bối cảnh và thực trạng sản xuất vaccine phòng Covid-19 trên toàn cầu. Vai trò quan trọng của Mỹ, Trung Quốc, châu Âu và các nước lớn khác trong sản xuất và phân bố vaccine phòng Covid-19 trên toàn cầu. Các quan điểm và chính sách chạy đua cạnh tranh vaccine Covid-19 của một số nước lớn trên thế giới như cạnh tranh Mỹ-Trung, cách tiếp cận của Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Ấn Độ... trong chính sách ngoại giao vaccine; tác động của cuộc chạy đua vaccine Covid-19 đối với các nước đang phát triển và Việt Nam.