Yêu cầu mới cho Dự án tăng cường trí thức trẻ tình nguyện

Dự án "Tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu kinh tế quốc phòng giai đoạn 2010 - 2020" sau 10 năm triển khai đã khẳng định tính đúng đắn, sáng suốt của Ðảng, Nhà nước, Chính phủ trong việc huy động, phát huy, tăng cường nguồn lực trí thức trẻ tại các khu kinh tế - quốc phòng.

Thực tế cho thấy lực lượng trí thức trẻ tình nguyện (TTTTN) tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược của Tổ quốc, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá cao. Mới đây, Bộ Quốc phòng đã có công văn chỉ đạo các quân khu, binh đoàn, đoàn kinh tế - quốc phòng tiếp tục triển khai thực hiện Dự án 174/BQP đến hết năm 2030. Ðây là tin vui cho nhiều cơ quan, đơn vị cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương trong vùng thực hiện dự án. Bước vào giai đoạn mới cùng điều kiện, hoàn cảnh mới trong đời sống kinh tế - xã hội của các địa phương ắt hẳn sẽ cần những yêu cầu mới.

Mười năm qua, cùng với sự phát triển đi lên của đất nước, nhiều địa phương trong vùng Dự án đã có sự phát triển vượt bậc. Ðơn cử như thông tin liên lạc, từ đói thông tin đến mạng internet toàn cầu; giao thông, từ "ngày đường" giờ chỉ còn tính bằng giây, bằng phút. Có những bản làng "trắng chữ" cho nên việc trẻ em đi học là hoàn toàn xa lạ. Trong hoàn cảnh đó việc tạo ra những "cánh tay nối dài" giúp cán bộ, chiến sĩ các đoàn kinh tế - quốc phòng đưa kiến thức đến người dân là cần thiết. Ngược lại, TTTTN cũng có được nhiều điểm lợi, đó là kinh nghiệm làm việc theo đúng chuyên môn; được hưởng các chế độ lương, thưởng, phụ cấp vùng miền như cán bộ, công chức; được miễn nghĩa vụ quân sự… Chính vì thế mà nhiều cuộc thi tuyển, xét tuyển TTTTN từng diễn ra khá "nóng". Khi được tuyển dụng, mặc dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng vẫn có không ít TTTTN phải mất thời gian làm quen. Ngẫm ra đây cũng là điều dễ hiểu bởi họ chỉ là sinh viên mới ra trường, tuổi đời còn trẻ lại chưa từng "cắm bản" như bộ đội ở các đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị.

Thực tế ở nhiều nơi, qua quá trình học tập, công tác và rèn luyện 24 tháng, TTTTN đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Không ít người được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Ðảng, được Quân đội tuyển dụng. Mặc dù thành quả ấy là lớn và đáng khích lệ song ở đây cũng dễ thấy mấy vấn đề đáng chú ý. Thứ nhất, tuyển TTTTN ở vùng khác về sẽ mất nhiều thời gian để họ hòa nhập và thâm nhập. Kinh nghiệm của các đơn vị ưu tiên những người biết tiếng dân tộc thiểu số để phục vụ công tác vận động tuyên truyền, dù vậy, do khác biệt văn hóa vùng miền cho nên TTTTN cũng mất khá nhiều thời gian tìm hiểu phong tục, tập quán để đưa ra bài giảng thích hợp. Thứ hai, sau khi kết thúc thời gian công tác các TTTTN trở về quê hương thì địa phương trong vùng dự án thiếu người hướng dẫn, và thậm chí chính TTTTN cũng khó tìm được việc làm ở quê nhà. Thứ ba, thời gian công tác ngắn (hai năm) khó triển khai những dự án dài hơi, như vậy sẽ không phù hợp với điều kiện hiện nay vì có rất nhiều dự án đòi hỏi thời gian. Thí dụ như trồng cây trên đất dốc, chăn nuôi đại gia súc, phát triển cây lâm nghiệp lâu năm...

Ðể khắc phục tình trạng trên, thời gian qua nhiều đoàn kinh tế - quốc phòng đã tìm nguồn nhân lực TTTTN ngay tại chỗ vì mấy lẽ: Ðầu tiên là gần văn hóa, lối sống, thậm chí còn là người thân họ hàng TTTTN dễ dàng bắt nhịp vào công việc; hiểu thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán canh tác cùng với kiến thức khoa học, chính họ góp phần tham mưu cho các dự án đạt hiệu quả cao; cuối cùng đó là tạo nguồn cán bộ cho địa phương trong địa bàn dự án - đây cũng chính là mong mỏi của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền sở tại. Ngoài ra, ở một số nơi, việc tuyển dụng và trả lương cho TTTTN là người địa phương sẽ góp phần xóa đói, giảm nghèo ngay trong vùng dự án. Theo tiêu chí chuẩn thu nhập "thoát nghèo" là hơn 700 nghìn đồng/người/tháng đối với các xã nông thôn miền núi, như vậy một TTTTN thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng sẽ "gánh" thu nhập cho gần 13 người. Ðây là cách làm rất khả thi, nhất là trong điều kiện số người đi học trung cấp, cao đẳng, đại học ở nhiều địa phương đang tăng nhanh.

Thực tế cho thấy được tuyển dụng vào làm việc trong các đơn vị quân đội, được cống hiến xây dựng quê hương là khát vọng của nhiều thanh niên địa phương. Cùng với nhiệt huyết tuổi trẻ, kiến thức được trui rèn trên giảng đường, tiêu chuẩn lựa chọn người sát thực tiễn, minh bạch; sự công tâm khắt khe của nhà tuyển dụng, của cấp ủy chính quyền địa phương đánh giá hiệu quả dựa trên kết quả công việc… sẽ góp phần giúp họ làm nên nhiều thành công của dự án trong giai đoạn mới.