Ý thức, trách nhiệm công dân trước đại dịch Covid-19

Dịch Covid-19 ở nước ta vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố lân cận, ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày. Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, các bộ, ngành, địa phương đã kịp thời đưa ra các chiến lược mới, phù hợp, với mục đích "truy vết thần tốc, khoanh vùng nhanh, xét nghiệm rộng, phong tỏa hẹp" nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, an toàn.

Ý thức, trách nhiệm công dân trước đại dịch Covid-19

Bộ Y tế đã kịp thời chỉ đạo và hỗ trợ các nguồn lực cho các địa phương phòng, chống dịch… Ðiều đáng mừng là công tác phòng, chống dịch ở nước ta thời gian qua luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình, sự tham gia tích cực của mọi người dân trên cả nước, với những hành động thiết thực và cụ thể. Qua đó, góp phần để Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới vừa chống dịch hiệu quả vừa tăng trưởng kinh tế dương.

Tuy nhiên, trong khi cả hệ thống chính trị và người dân tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, vẫn có một bộ phận không nhỏ người dân thiếu ý thức trong việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch như: Không khai báo y tế, hay khai báo y tế không trung thực; trốn khỏi khu cách ly tập trung, khu điều trị; tụ tập đông người, không đeo khẩu trang nơi công cộng; nhiều trường hợp lợi dụng diễn biến của dịch bệnh đăng tải những thông tin không chính xác, bịa đặt về tình hình dịch bệnh, lan truyền những biện pháp phòng ngừa không đúng, không có căn cứ, gây hoang mang dư luận…

Tất cả các vi phạm nêu trên đã bị các cơ quan chức năng xử phạt hành chính hoặc khởi tố hình sự, với tội danh "làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người", "chống người thi hành công vụ"…

Ngành y tế dự báo, dịch Covid-19 ở Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Do vậy, bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của ngành y tế, thì mỗi người dân Việt Nam cần là "một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh" bằng việc nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm công dân trước cộng đồng và đất nước trong việc thực hiện nghiêm các quy định mà ngành y tế đưa ra vì sức khỏe của chính mình, gia đình và cộng đồng.

Người dân đang sinh sống tại các khu vực có dịch hoặc bị phong tỏa, cách ly cần tuân thủ việc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19; từng hộ gia đình trong cộng đồng bảo đảm không giao lưu, không ra khỏi nhà, trừ trường hợp có việc cần thiết và được sự đồng ý của các cơ quan chức năng; thực hiện nghiêm việc khai báo y tế, nhất là các trường hợp đến, đi từ các vùng có dịch.

Người dân hạn chế ra khỏi nhà, không tập trung đông người, giữ khoảng cách tại các khu vực công cộng; kiểm tra thân nhiệt hằng ngày, thông báo kịp thời các trường hợp có dấu hiệu sốt, ho, khó thở; thực hiện cài đặt và bật ứng dụng truy vết (Bluezone), ứng dụng khai báo y tế (NCOVI); bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý và thường xuyên tập thể dục, thể thao trong điều kiện cho phép...

Bên cạnh đó, người dân trong độ tuổi quy định cần chủ động tham gia tích cực Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 toàn quốc vừa được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế phát động, nhất là tránh tâm lý "trông chờ", "lựa chọn" các loại vaccine phòng Covid-19 để tiêm.

Cùng với đó, các cấp, ngành, địa phương cần quản lý chặt chẽ hơn nữa các trường hợp cách ly tập trung, cách ly tại nhà; tăng cường kiểm tra, giám sát các khu vực có nguy cơ cao như khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chung cư, cơ sở khám, chữa bệnh, trường học, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, nơi tập trung đông người… Các lực lượng chức năng tại cơ sở thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của người dân, các cơ sở kinh doanh dịch vụ; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức, các cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm các quy định…