Xây dựng không gian an toàn cho trẻ em

Những ngày qua, câu chuyện một bé gái ba tuổi bị người tình của mẹ đóng đinh vào đầu khiến dư luận rúng động. Hành vi của kẻ thủ ác quá dã man, tàn bạo, ngoài sức tưởng tượng của nhiều người. Trong hồ sơ bệnh án của bé gái, ba tháng trước bệnh nhi này từng được đưa vào bệnh viện để cấp cứu do ngộ độc thuốc trừ sâu, và từng bị gãy tay phải bó bột. Xâu chuỗi các sự việc lại với nhau, không ít người nghi vấn về những bất thường liên quan đến các "tai nạn" mà nạn nhân này gặp phải chỉ trong thời gian ngắn.

Bé ba tuổi bị người tình của mẹ đóng đinh vào đầu đang được cấp cứu tại bệnh viện Xanh pôn, Hà Nội. (Ảnh: cand.com.vn)
Bé ba tuổi bị người tình của mẹ đóng đinh vào đầu đang được cấp cứu tại bệnh viện Xanh pôn, Hà Nội. (Ảnh: cand.com.vn)

Ở tuổi lên ba, bé gái còn quá nhỏ để có thể hiểu chuyện gì xảy ra với mình cũng như không thể có cách kháng cự trước nạn bạo hành. Nhất là khi hành vi ấy được thực hiện bởi người đàn ông mà mẹ mình đang chung sống như vợ chồng. Sự việc đau lòng này khiến chúng ta nhớ lại câu chuyện bé gái 8 tuổi bị người tình của bố đánh đập dẫn đến tử vong hồi cuối tháng 12/2021 vừa qua.

Với từ khóa "trẻ em bị bạo hành", trang tìm kiếm Google tập hợp được hơn 74.200 kết quả chỉ trong vòng 42 giây. Ở đó những ai quan tâm có thể tìm thấy những vụ việc khủng khiếp, khiến nhiều người không dám đọc vì quá ghê sợ. Dù sợ hãi đến đâu thì thực tế vẫn hiện diện ngay trước mắt chúng ta, đó là nạn bạo hành trẻ em vẫn đang diễn ra. Những vụ việc được phát hiện, được báo chí đăng tải mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Đáng lo ngại hơn cả đó là tình trạng trẻ em không an toàn ngay tại gia đình mình đang có chiều hướng gia tăng. Các em bị đánh đập, tấn công bởi chính những người thân thích, ruột thịt, với vô vàn lý do. Những vết thương trên da thịt thì có thể lành, nhưng những chấn thương tâm lý, nỗi đau trong sâu thẳm trái tim thì mãi mãi không thể chữa lành. Thậm chí đã có những đứa trẻ đã bị tước đoạt mạng sống một cách oan uổng, phi lý. Nỗi đau đớn, nuối tiếc, căm phẫn của những người còn sống vẫn sẽ neo lại ở đó như những nốt trầm buồn bã, khiến chúng ta không thôi trăn trở, day dứt.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tạo một cơ chế hữu hiệu giúp bảo vệ trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn mà các vấn đề khó khăn trẻ em gặp phải sẽ được hỗ trợ, giúp đỡ? Chúng ta có hệ thống các quy định của pháp luật trong việc bảo vệ trẻ em, có các tổ chức ban, ngành, đoàn thể luôn sẵn sàng giúp đỡ trẻ em, có những đường dây nóng trực 24/24 giờ. Vậy nhưng những câu chuyện đau lòng, thương tâm vẫn tiếp tục xảy ra, đầy thách thức.

Hiện nay không ít phụ huynh ý thức về quyền và trách nhiệm chăm sóc con cái và bảo vệ trẻ em còn hạn chế, đồng thời có nhận thức sai lầm khi cho rằng "thương cho roi cho vọt" cho nên thực hành việc cách nuôi dạy con không phù hợp, gây ra những tổn thương cho trẻ. Chưa kể, một số phụ huynh vì những bức xúc của cuộc sống, vô tình biến con mình thành nơi "xả stress" với những lời mắng chửi, đánh đập vô tội vạ.

Bên cạnh đó, môi trường xã hội đang tồn tại không ít bất cập. Hệ thống các ban, ngành, tổ chức, đoàn thể làm công tác bảo vệ trẻ em tuy đông đảo nhưng có nơi, có chỗ còn thiếu sự liên kết, phối hợp chặt chẽ.

Công tác giáo dục tuyên truyền trong cộng đồng về bảo vệ trẻ em ở nhiều nơi còn mang tính hình thức. Do đó hiệu quả của công tác này chưa đạt được kết quả như mong muốn. Khi xuất hiện các sự việc nổi cộm, sự tham gia của các bên khi đó cũng đã quá muộn, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, gây bức xúc trong đời sống xã hội.

Đã đến lúc công tác bảo vệ trẻ em cần được rà soát, củng cố đồng bộ giữa các cấp, các ngành, tổ chức có liên quan. Cùng với đó là sự vào cuộc của cả cộng đồng, và từng cá nhân. Cần xác định rõ đây là trách nhiệm chung của toàn xã hội, để làm sao những tiếng thở dài, những giọt nước mắt của trẻ em giấu sau cánh cửa được phát hiện, lắng nghe, giúp đỡ kịp thời; không gian an toàn cho trẻ trong gia đình và ngoài xã hội được thiết lập và bảo vệ.