Xây dựng các khu công nghiệp "xanh"

Theo thống kê, cả nước hiện có 369 khu công nghiệp, tổng diện tích gần 114.000 ha. Các khu công nghiệp đã đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng kinh tế của đất nước, trong giai đoạn 2016-2019, nộp ngân sách đạt hơn 400.000 tỷ đồng.

Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền. (Ảnh: haiphong.gov.vn)
Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền. (Ảnh: haiphong.gov.vn)

Tuy nhiên, việc phát triển khu công nghiệp thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế, chưa cân bằng về kinh tế - môi trường - xã hội; mô hình khu công nghiệp sinh thái "xanh", hướng tới phát triển bền vững trên phạm vi cả nước còn ít do vướng rào cản về chính sách, cơ chế tài chính,…

Thực trạng hoạt động sản xuất công nghiệp đang đặt ra vấn đề cần thiết phải quản lý rác thải, biến rác thải công nghiệp thành nguồn tài nguyên. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, để giải bài toán về rác thải cho mục tiêu phát triển bền vững khu công nghiệp, cần phải thay đổi tư duy, nhận thức, coi chất thải là tài nguyên để xây dựng cơ chế tổng thể, nằm trong phương thức kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, việc triển khai phương thức này vấp phải các rào cản như chưa có cơ sở pháp lý và phương pháp tiếp cận; công nghệ và thiết bị phần lớn đều ở mức trung bình hoặc lạc hậu, cần phải thay thế mới phù hợp các yêu cầu của kinh tế tuần hoàn; thiếu tiêu chí nhận dạng và phân loại mô hình kinh tế tuần hoàn; chưa có chính sách hỗ trợ toàn diện từ phía Chính phủ để phát triển mô hình trong một hệ thống nhỏ.

Qua khảo sát, nghiên cứu thực tiễn tại khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (thành phố Hải Phòng), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đánh giá, khu công nghiệp này đã học hỏi mô hình Mạng lưới Ecotown của Nhật Bản để xây dựng khu công nghiệp sinh thái. Phương thức vận dụng tại đây là sự cộng sinh đa dạng trong tổng thể mô hình cộng sinh lớn, tạo ra vòng tròn liên kết hữu cơ bền vững, hoạt động dựa trên nội hàm của kinh tế tuần hoàn, với nguyên tắc: "tái chế - đa dạng - sử dụng năng lượng xanh - nền tảng sinh học".

Mô hình kinh tế tuần hoàn thúc đẩy các nhà sản xuất, ngành công nghiệp tại các khu công nghiệp sử dụng hiệu quả tài nguyên, hạn chế đến mức thấp nhất phát sinh chất thải, khí thải và hướng tới một nền kinh tế sạch hơn, xanh hơn. Ðây là hướng đi tất yếu của ngành công nghiệp trong tương lai, tạo thành khối liên kết cộng đồng doanh nghiệp. Các chuyên gia nhận định, Ðảng và Nhà nước đã có lộ trình định hướng và phát triển kinh tế tuần hoàn thông qua một số chủ trương, chính sách, tuy nhiên vẫn chưa có quy định cụ thể khuyến khích và áp dụng trong thực tiễn.

Thực trạng nền kinh tế hiện nay cho thấy, để thực thi và tổ chức mô hình kinh tế tuần hoàn toàn diện, không thể vận dụng một công cụ đơn lẻ, mà cần một khung chính sách tổng thể, với tiêu chí rõ ràng, phương pháp tiếp cận phù hợp. Vì thế, các cơ quan quản lý cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý; xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế chiều sâu; điều chỉnh quy hoạch năng lượng, thực hiện kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển công nghệ, kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0,… Vấn đề tiên quyết hiện nay đối với Việt Nam là xây dựng nền tảng mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên khung thể chế thống nhất, đầy đủ tiêu chí cơ bản, tạo ra mô hình điểm phù hợp đặc thù chung về không gian địa lý để nhân rộng ra các khu công nghiệp trên cả nước.

XÍCH TÙNG