Việc cần làm khi cách ly F1 tại nhà

Thành phố Hồ Chí Minh đang đối mặt với đợt dịch Covid-19 phức tạp nhất trong 1,5 năm qua. Số ca nhiễm tăng cao từng ngày, kéo theo số người tiếp xúc gần (F1) phải cách ly cũng không ngừng tăng lên. Ðáng chú ý, nhiều khu cách ly tập trung đã hết chỗ và dần quá tải. Thực tế đó đặt ra việc thực hiện cách ly F1 tại nhà sẽ góp phần giảm áp lực cho các khu cách ly tập trung. Nhiều nước trên thế giới cũng đã áp dụng hình thức quản lý này và có kết quả tốt.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngành y tế TP Hồ Chí Minh vừa có tờ trình đề nghị UBND thành phố về thí điểm cách ly y tế tại nhà cho đối tượng F1. Theo đó, tiến hành thí điểm cách ly F1 tại nhà ở các quận, huyện thuộc nhóm nguy cơ thấp từ ngày 5 đến 19/7. Nếu thí điểm thành công, thành phố sẽ mở rộng áp dụng cách ly tại nhà đối với nhóm nguy cơ cao.

Với tình hình hiện tại, thì việc thí điểm cách ly F1 tại nhà trong thời điểm này là cần thiết khi dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh đang diễn biến phức tạp, có những ca bệnh (F0) “lang thang” trong cộng đồng,  chưa được phát hiện hết. Ðặc biệt, cách ly F1 tại nhà ngoài việc giảm tải cho các khu cách ly tập trung còn hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo tại các cơ sở này…

Thực hiện cách ly tại nhà điều quan trọng nhất là bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người cách ly, người nhà và các nhân viên y tế. Như vậy, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, yêu cầu đối với người cách ly y tế tại nhà, người ở cùng nhà, cán bộ y tế và đơn vị liên quan dứt khoát phải thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế về thí điểm cách ly y tế tại nhà đối với F1.

Theo đó, nơi cách ly phải riêng lẻ, phải có phòng cách ly riêng, khép kín và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình. Cạnh phòng cách ly y tế phải có một phòng riêng để nhân viên y tế thực hiện việc khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe cho người cách ly.  Phòng cách ly phải bảo đảm khép kín, có nhà vệ sinh, nhà tắm dùng riêng, có đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân, xà-phòng rửa tay, nước sạch, dung dịch sát khuẩn tay...

Người cách ly tại nhà phải chấp hành nghiêm các quy định và thời gian cách ly y tế tại nhà; có cam kết với chính quyền địa phương về các vấn đề liên quan cũng như luôn thực hiện thông điệp 5K và các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Không chỉ người cách ly, người nhà người cách ly cũng cần ký cam kết với chính quyền địa phương và cùng ký cam kết với người chăm sóc, hỗ trợ người cách ly…

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, cách ly tại nhà, ngoài việc an toàn là trên hết, những người thực hiện cần quan tâm đến giảm tải cho y tế địa phương, không để nhân viên y tế địa phương tăng thêm việc không đáng có trong khi phần lớn họ đang bị quá tải với công việc phòng, chống Covid-19 trên địa bàn.

Vì vậy, tự thân F1 và người nhà phải chăm sóc và theo dõi sức khỏe của mình như đo nhiệt độ thường xuyên, khi có triệu chứng liên quan cần kiểm tra ngay. Ngay cả xét nghiệm định kỳ, khi không có triệu chứng nên giao cho F1 tự làm test nhanh, cuối đợt nhân viên y tế sẽ quét lại bằng PCR.

Các địa phương cần lập đường dây tư vấn sức khỏe cho F1 cách ly tại nhà, ứng dụng công nghệ thông tin để theo dõi người cách ly có thực hiện đúng quy định về cách ly tại nhà hay không. Việc thông tin, quản lý thông tin về các F1 cách ly tại nhà cũng cần được quan tâm đúng mức, vừa bảo đảm quyền tự do cá nhân không bị xâm phạm, không bị kỳ thị dưới bất kỳ hình thức nào, đồng thời cũng bảo đảm không để F1 chủ quan, coi thường trong tiếp xúc và sinh hoạt tại gia đình và cộng đồng có thể làm lây lan dịch bệnh.

Trong cuộc chiến với Covid-19, mục tiêu cuối cùng của chúng ta là sự an toàn cho cả cộng đồng, trong khi cách thức quản lý những người liên quan cũng có những thế mạnh và điểm yếu cho nên cần thận trọng khi triển khai một hình thức quản lý. Ðặc biệt cần làm một cách chặt chẽ, theo đúng hướng dẫn chuyên môn và nâng cao ý thức thực hiện của những người thuộc diện phải cách ly, người nhà, người chăm sóc...

Một số chuyên gia y tế cho rằng, cần chia F1 thành hai loại, F1 có nguy cơ lây cao (do tiếp xúc quá gần với F0, hoặc cùng lao động, sinh hoạt trong không gian khép kín với F0, tiếp xúc gần với F0 không đeo khẩu trang) và F1 có nguy cơ lây thấp hơn. Những trường hợp có nguy cơ cao vẫn cần được cách ly tập trung, các F1 nguy cơ lây thấp thì có thể được cách ly tại nhà. Ðây là một khuyến nghị cần TP Hồ Chí Minh và các địa phương lưu ý khi triển khai phương thức quản lý mới. 

TP Hồ Chí Minh đang huy động tổng lực để ngăn chặn làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; trong đó có thực hiện cách ly F1 tại nhà để bảo đảm an toàn tuyệt đối, là một cách góp phần cùng thành phố sớm kiểm soát được dịch bệnh.

Quyết liệt phòng chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh