Tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch

Tình hình dịch Covid-19 tại nhiều nước trên thế giới, nhất là những nước trong khu vực như: Ấn Độ, Thái-lan, Lào, Cam-pu-chia đang có những diễn biến rất đáng lo ngại. Số ca mắc mới, số người chết trong một ngày liên tục gia tăng. Qua phân tích của các chuyên gia cho thấy, những đợt dịch xảy ra lần sau thường lớn hơn, mạnh hơn và tàn khốc hơn lần trước. Nhiều nơi, tình hình dịch đã trầm trọng hơn đợt cao điểm của dịch trong năm 2020; một số thành phố tại các nước đã phải tái áp đặt lệnh phong tỏa... Sự gia tăng số người nhiễm Covid-19 tại nhiều nước không chỉ là lời cảnh báo mà còn là áp lực về nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ tư ở Việt Nam. Hơn lúc nào hết đòi hỏi các bộ, ngành liên quan và chính quyền các địa phương phải có những giải pháp phù hợp và hiệu quả để ngăn chặn dịch xâm nhập và lây lan.

Các bộ, ngành, địa phương triển khai ngay công điện của Thủ tướng Chính phủ, tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra với phương châm “phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”. Từng cơ quan, đơn vị, nhà máy phải triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế. Các địa phương cần chuẩn bị các kịch bản ứng phó dịch, kể cả tình huống dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng… sẵn sàng biện pháp, không lúng túng, bị động. Cần xem tình trạng dịch đang trầm trọng ở các nước là bài học lớn để làm mọi cách không để dịch xảy ra ở trong nước.
 
 Hiện, các tỉnh Tây Nam Bộ, nhất là các tỉnh biên giới Tây Nam được Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đặt cảnh báo nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ở mức rất cao. Theo đó, các tỉnh cần làm tốt, tập trung thực hiện để ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép qua biên giới. Đồng thời tăng cường lực lượng tuần tra trên biển để phát hiện sớm người nhập cảnh trái phép bằng các phương tiện đường biển. Vì an toàn của cả nước, các lực lượng chức năng cần xử lý thật nghiêm những trường hợp nhập cảnh trái phép.
 
 Đến nay, cả nước đã qua hơn 30 ngày không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại vẫn rất lớn khi mùa du lịch hè bắt đầu; nhiều sự kiện, lễ hội tập trung đông người đang được tổ chức… đâu đó đã xuất hiện tâm lý xã hội chủ quan sau thời gian dài không có ca nhiễm ở cộng đồng; nhiều người ngại, không muốn tiêm vắc-xin phòng Covid-19... Chính vì thế, các địa phương tiếp tục duy trì các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn như khai báo y tế, giám sát, tầm soát lây nhiễm đối với nhóm người nguy cơ cao, xét nghiệm sàng lọc ngẫu nhiên để có thể phát hiện sớm ca bệnh. Đặc biệt, khuyến cáo người dân nhất là ở các đô thị lớn, khu du lịch, lễ hội tập trung đông người áp dụng thông điệp 5K của Bộ Y tế, nó có ý nghĩa quyết định trong phòng, chống dịch Covid-19 cũng như duy trì thành quả phòng, chống dịch. Bài học ở các nước đang có dịch đang bùng phát mạnh cho thấy, chỉ một sự kiện tập trung đông người khi có ca lây nhiễm đã gây thiệt hại rất lớn cho xã hội.
 
 Một trong những bài học thành công trong công tác chống dịch Covid-19 ở nước ta trong hơn một năm qua là sự tham gia chủ động, tích cực của người dân. Nhưng trước việc hơn một tháng qua, không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng đã xuất hiện yếu tố chủ quan, mất cảnh giác, trong đó nhiều người ra đường không đeo khẩu trang, không thực hiện thông điệp 5K. Nhưng đây là yếu tố tâm lý phải được loại bỏ ngay. Không ai bảo vệ chúng ta bằng chính chúng ta. Hành động của mỗi người trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 sẽ góp phần vào chiến thắng đại dịch. Do vậy, hãy cùng nhau thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch, thông điệp 5K, trong đó hai yếu tố quan trọng có thể quyết định làm giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 là đeo khẩu trang và sát khuẩn tay. Tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch; phát hiện sớm những người nhập cảnh trái phép, thông báo ngay cho chính quyền cơ sở để có biện pháp ngăn chặn, không để dịch bùng phát trong cộng đồng.