Từ VAR bóng đá ngẫm chuyện cạnh tranh trên thương trường

Tư duy cho rằng lúc nào mình cũng là nạn nhân, luôn bị xử ép, xét cho cùng chỉ kìm hãm sự học hỏi, vươn lên. Muốn vươn tới chuyên nghiệp tầm châu lục, thế giới thì không chỉ có huấn luyện viên, trọng tài, cầu thủ mà cả sân cỏ đạt chuẩn, áp dụng công nghệ giám sát mà VAR đang là tiêu biểu - cũng phải là tầm hướng tới của giải bóng đá vô địch quốc gia V-League - ở một khía cạnh nào đó cũng lấp lánh hình ảnh của cộng đồng doanh nghiệp.

Công nhân Công ty TNHH Sản xuất thương mại nông sản Phong Thúy (Lâm Ðồng) sơ chế trái cây xuất khẩu. Ảnh minh họa: QUANG HIẾU
Công nhân Công ty TNHH Sản xuất thương mại nông sản Phong Thúy (Lâm Ðồng) sơ chế trái cây xuất khẩu. Ảnh minh họa: QUANG HIẾU

Sau trận cầu giữa đội tuyển Việt Nam và Oman tại vòng loại World Cup 2022 với đủ các cung bậc hỉ nộ ái ố, gạt ra nhiều khía cạnh chuyên môn, từ cầu thủ cho tới trọng tài, dư luận vẫn không thôi bàn về pha tranh bóng trên không của cầu thủ Duy Mạnh với cái vung tay "thừa" dẫn tới quả phạt đền đáng tiếc. Song, điều đáng nói là bàn thua này, muốn hay không cũng khó mà biện hộ rằng mải ham bóng mà va chạm; hoặc chỉ trích là công nghệ VAR dường như thiên vị Oman, chỉ chọn lỗi của các học trò của thầy Park Hang-seo mà soi, mà "đè" rất bất công.

Từ bóng đá, nói lan ra chuyện cạnh tranh làm ăn kinh tế khi gia nhập Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên hiệp châu Âu và Việt Nam (EVFTA). Vào sân chơi mới không thể chỉ toàn là viễn cảnh thặng dư xuất khẩu tỷ, tỷ euro. Sân chơi mới có luật chơi mới. Pháp luật của họ, trong đó có luật cạnh tranh đã ổn định, thói quen làm ăn nghiêm chỉnh, minh bạch thành truyền thống lâu đời của họ, đã phải học toát mồ hôi. Chưa kể phải cập nhật những quy định trong nội dung các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia và ký. Nắm vững luật chơi, doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và hưởng lợi từ đó, ngược lại, hoặc sẽ đứng ngoài, hoặc sẽ văng ra, bị phạt, bị kiện, bị điều tra và thiệt hại nặng nề.

Mới đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (gọi tắt là Cục Cạnh tranh) - Bộ Công thương đã khuyến cáo nhiều nội dung mà DN Việt Nam phải lưu ý về luật cạnh tranh khi vào thị trường EU.

Trước hết, DN cần phải xây dựng quy tắc khi trao đổi thông tin với đối thủ cạnh tranh, trong đó quy định nhân viên các cấp "không được phép trao đổi với đối thủ cạnh tranh của DN" về những nội dung như: hỏi đối thủ có tham gia vào cuộc đấu thầu cụ thể nào đó không, trao đổi về giá hàng hóa, sản phẩm mà DN kinh doanh tại thị trường EU, về chi phí, quy trình sản xuất; "không được phép trao đổi với các đối thủ cạnh tranh về các thông tin, kế hoạch tương lai của doanh nghiệp" như: dự định, kế hoạch đầu tư tương lai, sản phẩm mới…

Thứ nữa, DN nên cẩn trọng khi có ý định tham gia các hiệp hội thương mại nào đó. Đành là "buôn có bạn, bán có phường", giúp nhau "cùng hội cùng thuyền", nước lên thuyền lên là có thật, nhưng EU có quy định về hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nấp dưới hoạt động của hiệp hội. Đó là việc trao đổi thông tin về giá cả, sản lượng trong các buổi họp của hiệp hội; giao lưu giữa các thành viên hiệp hội, tham gia vào các hoạt động khảo sát lấy ý kiến thành viên của hiệp hội với động cơ tìm cách loại bỏ bất kỳ một doanh nghiệp nào ra khỏi lĩnh vực ngành nghề mà DN đang sản xuất, kinh doanh tại thị trường EU…

Theo Cục Cạnh tranh, khi tham gia các cuộc họp của hiệp hội, nếu phát hiện có những hành vi này thì nhân viên DN tốt nhất là nên rời bỏ cuộc họp nếu không muốn tạo ra bằng chứng chống lại chính DN của mình theo các tiêu chuẩn cạnh tranh của EU.

Thứ nữa, Cục Cạnh tranh cũng khuyến cáo DN Việt Nam cần xây dựng quy tắc chuẩn khi liên lạc với khách hàng và nhà cung cấp sản phẩm để tránh việc ép đối tác hoặc nhà cung cấp phải phân phối theo một mức giá nhất định; tránh cả việc bị cáo buộc là trao đổi, bắt tay "đi đêm" với các DN ở các khâu, các công đoạn khác nhau để thỏa thuận không được giao dịch với một khách hàng cụ thể nào đó. DN Việt Nam cũng cần rà soát hợp đồng ký với các DN phân phối/DN cung ứng nguyên vật liệu tại thị trường EU nhằm loại bỏ các điều khoản có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh.

Điều thú vị là Cục Cạnh tranh cũng lưu ý các DN Việt Nam đã "nhập gia" thì phải "tùy tục". EU có chương trình khoan hồng cho các DN tham gia, có thể được coi là giải pháp tạm "lùi" để tiến. Khi vô tình vướng vào những hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh tại thị trường EU, cơ chế này cho phép DN khai báo và tham gia chương trình này theo pháp luật cạnh tranh của EU để hưởng miễn trừ tiền phạt. Vô ý và thành khẩn có hiểu biết, dẫu sao cũng có lợi và tốt hơn là không hiểu, cố ý làm sai và không có cơ chế bảo vệ khi sự cố xảy ra.

Đã vào cuộc chơi toàn cầu thì thực lực, thông tin, nắm luật chơi là quan trọng. Dẫu không có công bằng tuyệt đối, song trong tranh bóng và giành hợp đồng, giành thị phần, thì dù trên sân nhà hay sân khách vẫn phải tôn trọng "ông" trọng tài lớn - đó là khung khổ luật lệ, quy định. "VAR" trong bóng đá và luật cạnh tranh trong thương mại cũng vậy. Không thể đem thói quen của ta để biện hộ cho khiếm khuyết. Bỏ đi vài tiếng còi thổi vụng, thổi sai thì đã đến lúc, thế giới có luật thế nào thì mình nên thế.

Tư duy cho rằng lúc nào mình cũng là nạn nhân, luôn bị xử ép, xét cho cùng chỉ kìm hãm sự học hỏi, vươn lên. Muốn vươn tới chuyên nghiệp tầm châu lục, thế giới thì không chỉ có huấn luyện viên, trọng tài, cầu thủ mà cả sân cỏ đạt chuẩn, áp dụng công nghệ giám sát mà VAR đang là tiêu biểu - cũng phải là tầm hướng tới của giải bóng đá vô địch quốc gia V-League - ở một khía cạnh nào đó cũng lấp lánh hình ảnh của cộng đồng doanh nghiệp.