Từ chuyện “combo nông sản”...

Nông sản combo 10 kg/túi là chương trình khởi nguồn từ ý tưởng của Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía nam trong điều kiện dịch Covid-19 (Tổ công tác 970), nhằm giúp nông dân tiêu thụ nông sản bị dồn ứ do ảnh hưởng dịch Covid-19.

HTX Nông nghiệp Thương mại dịch vụ Phú Quới, xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang tham gia cung cấp túi combo nông sản. Ảnh: Tổ công tác 970.
HTX Nông nghiệp Thương mại dịch vụ Phú Quới, xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang tham gia cung cấp túi combo nông sản. Ảnh: Tổ công tác 970.

Đến nay, chương trình đã thu hút nhiều địa phương tham gia và được người tiêu dùng tại TP Hồ Chí Minh hưởng ứng nhiệt tình. Chương trình đã thiết lập được mạng lưới kho nhận hàng, có thể cung cấp cho thành phố từ 80.000 - 100.000 túi/ngày (tương đương 800 - 1.000 tấn/ngày). Nếu được hỗ trợ vận chuyển, công suất cung cấp có thể lên 120.000 - 130.000 túi/ngày (tương đương với 1.200 - 1.300 tấn/ngày).

Combo có nhiều mức giá khác nhau, từ 150.000 - 300.000 đồng, thậm chí cao hơn, theo yêu cầu của người đặt hàng. Các túi hàng đều do doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất ở đồng bằng sông Cửu Long đóng gói, với các loại nông sản bảo đảm chất lượng, được Tổ công tác 970 đưa vào đầu mối kết nối cung - cầu. Theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), Sở NN và PTNT thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Tổ công tác 970 hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký điểm giao nhận hàng khi bảo đảm các quy định phòng dịch Covid-19; ưu tiên cấp phép lưu thông cho các phương tiện của đơn vị tham gia chương trình “Combo nông sản 10 kg/túi”.

Trong khi chương trình “Đi chợ hộ” ở TP Hồ Chí Minh đang triển khai cần có lực lượng nhân sự rất lớn và dễ quá tải công việc khi tiếp nhận, phân loại đơn, đến các điểm mua sắm, chọn lựa sản phẩm, thanh toán, thì phương thức mua theo combo qua các ứng dụng mạng xã hội sẵn có như zalo, facebook, email..., người mua và bên cung ứng tự kết nối giao dịch mua bán sẽ giảm được áp lực đối với các cơ quan chức năng trong thời gian giãn cách xã hội.

Đây cũng là cách làm mới nhằm thay đổi tư duy làm nông nghiệp cho nông dân và các hợp tác xã, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, không chỉ thực hiện trong thời điểm giãn cách xã hội mà còn mở ra hướng phát triển lâu dài. Theo đó, làm nông nghiệp không thể sản xuất riêng lẻ, bán những gì mình có mà cần liên kết sản phẩm của các hộ nông dân, các hợp tác xã để bán những gì mà người tiêu dùng có nhu cầu.

Thông qua việc chủ động kết nối, bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội và các nền tảng thương mại điện tử, từ người nông dân đến các hợp tác xã nông nghiệp đã làm quen với cách chào hàng, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, cách thức chốt đơn hàng và giao hàng...

Từ đó có kinh nghiệm tạo ra các chuỗi sản phẩm ngày càng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, thông thạo các công đoạn từ sản xuất đến đóng gói, tiêu thụ, thay vì như lâu nay chỉ chờ bán nông sản qua hệ thống thương lái. Để tương lai không xa, có thể hy vọng, mỗi nông dân, mỗi hợp tác xã đều có thể trở thành một đầu mối kinh doanh nông sản chuyên nghiệp, sớm đưa nông nghiệp trở thành ngành kinh tế năng động, phát triển bền vững.