Trách nhiệm phát triển văn hóa nước nhà

Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua đã tác động đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên, nhân dân với nhiều tầm mức khác nhau.

Trình diễn tái hiện Lễ hội mừng tiếng sấm mới của người Ơ Đu tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam
Trình diễn tái hiện Lễ hội mừng tiếng sấm mới của người Ơ Đu tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Xác định phát triển văn hóa là một quá trình lâu dài, Đảng ta đã đặc biệt quan tâm công tác này từ những ngày đầu lập nước. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng là nhất quán, xuyên suốt và được bồi đắp qua nhiều cương lĩnh, chiến lược, chỉ thị, nghị quyết. Nhờ đó, lĩnh vực văn hóa có những bước phát triển về nhận thức, lý luận và cả tầm nhìn. Trong đó, cán bộ, đảng viên nhiều thế hệ đã nhập cuộc với vai trò của người dẫn dắt, nêu gương. Song, trước giai đoạn phát triển mới của đất nước, hội nghị lần này đặt ra yêu cầu và kỳ vọng đòi hỏi sự dấn thân với trách nhiệm cao hơn nữa của những người làm công tác văn hóa.

Nhiều cán bộ, đảng viên chia sẻ làm công tác văn hóa có những cái khó như: Đầu tư lớn, hiệu quả chậm; một bộ phận người đứng đầu nhận thức chưa đầy đủ, chưa coi trọng công tác này; trình độ cán bộ ở nhiều nơi, nhiều lúc chưa đáp ứng yêu cầu công việc; việc đánh giá hiệu quả công việc chưa rõ ràng… Bởi vậy mà không ít cán bộ thoái thác trách nhiệm, có người tìm cách “thoát ly” sang những lĩnh vực khác.

Phải khẳng định rằng, làm công tác văn hóa rất khó, nhất là để “tròn vai”. Người làm công tác văn hóa ngoài vốn tri thức, hiểu biết còn phải có sự đam mê và biết cách diễn đạt, biểu diễn. Thí dụ như việc bảo tồn một loại hình dân ca của quê hương, người cán bộ không thể chỉ đi vận động người dân gìn giữ bằng cách quán triệt nghị quyết. Đồng chí ấy phải học, phải hiểu và thực hành biểu diễn loại hình dân ca đó để người dân thấy cái hay, biết trân quý giá trị, từ đó bắt chước, làm theo, rồi mong muốn bảo tồn, phát huy. Như vậy người cán bộ, đảng viên phải làm đủ các “vai”, từ người nghiên cứu, sưu tầm, thực hành biểu diễn, thủ lĩnh phong trào... Tất cả quá trình này diễn ra không phải chỉ vài tháng, vài năm mà có khi hàng chục năm.

Thực tế nhiều năm qua cho thấy, ở những địa phương có cán bộ, đảng viên tâm huyết, làm “tròn vai”, thì văn hóa ở những làng quê rất phát triển. Làng Lũng Giang của thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh là một thí dụ. Có những thời điểm quan họ thoái trào, đình làng Lim từng bị đe dọa chuyển đổi mục đích, công năng sử dụng; nhiều câu quan họ cổ bị mai một. Nhưng nhờ có sự đấu tranh bảo vệ công trình văn hóa, cũng như công sức sưu tầm, phục dựng, gây dựng phong trào của nhiều cán bộ, đảng viên mà đến nay chúng ta giữ được một di sản quý báu. Hay như ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, nơi cộng đồng người Ơ Đu sinh sống (Ơ Đu là dân tộc thiểu số dưới 1.000 người), việc gìn giữ ngôn ngữ từng diễn ra rất khó khăn.

Đồng chí bí thư chi bộ người Ơ Đu nhiều lần bị người dân chất vấn: “Học ngôn ngữ mà không dùng được thì học làm gì?”. Trước một câu hỏi rất thực tế và cũng rất khó, đồng chí bí thư chi bộ kiên nhẫn giải thích, thuyết phục được người dân. Nhưng để làm được điều đó, đồng chí đã phải nghiên cứu học tập rất nhiều để mở mang kiến thức trên nhiều lĩnh vực từ ngôn ngữ, chữ viết cho đến lịch sử, văn hóa dân gian…

Qua đó cũng thay đổi bản thân đồng chí từ một nông dân trở thành một chuyên gia văn hóa, một nghệ nhân dệt thổ cẩm. Đó chỉ là hai trong rất nhiều thí dụ về sự “nhập cuộc” của cán bộ, đảng viên trong sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn hóa.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh, phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, xây dựng và phát triển văn hóa là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân chứ không chỉ riêng đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức. Ai cũng phải có trách nhiệm và người đảng viên gánh vác nhiều hơn cả bởi vai trò nêu gương, dẫn dắt, lãnh đạo, chỉ đạo.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra những biến chuyển mới, nhanh chóng, tác động mạnh mẽ toàn diện đến cuộc sống, phương thức làm việc, tư duy và giao tiếp của mỗi dân tộc, từng người, từng gia đình, thì cách thức bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa trong thời đại kỷ nguyên số lại càng đòi hỏi cách tiếp cận, nắm bắt và thông tin mới. Bởi lẽ đó mà rất nhiều cán bộ, đảng viên đã tiếp thu thông điệp của Hội nghị Văn hóa toàn quốc với tâm thế sẵn sàng trước những thử thách mới.

                                                                                                                                        LÊ ĐÔNG