Tiếp tục nỗ lực cải thiện chỉ số PCI

Kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam đã có xu hướng cải thiện rõ rệt theo thời gian.

Ðây là năm thứ tư liên tiếp điểm số của tỉnh giữa bảng xếp hạng đạt hơn 60 điểm, khoảng cách điểm số giữa tỉnh đứng đầu và cuối tiếp tục thu hẹp. Ðiều đó thể hiện quyết tâm tập trung cải cách, cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh (MTKD) ngày càng mạnh mẽ, lan tỏa tới tất cả các địa phương. Hiện tượng nơi làm quyết liệt, nơi "nguội lạnh" đã giảm đáng kể, hầu như không còn địa phương nào muốn giậm chân tại chỗ trong "cuộc đua" cải cách này.

Cụ thể, trong 12.300 doanh nghiệp (DN) tham gia khảo sát PCI 2020, chi phí không chính thức từng là nỗi lo của cộng đồng DN có xu hướng giảm mạnh xuống mức 44,9% (giảm 21,1% so với năm 2016); chỉ còn 3% số DN (năm 2016 là 9,1%) phải chi trả hơn 10% doanh thu cho khoản chi này, đồng thời có tới 84,4% số DN cho biết, các khoản chi phí này ở mức chấp nhận được. Một điểm đáng chú ý khác trong báo cáo PCI 2020 là số cuộc thanh tra, kiểm tra DN cũng giảm mạnh khi tỷ lệ DN bị thanh tra, kiểm tra từ 5 cuộc/năm trở lên giảm từ 11,9% (năm 2016) xuống còn 3% (năm 2020). Phần lớn DN đều cho rằng, cải cách hành chính có bước chuyển biến rõ rệt, song vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh tại một số lĩnh vực.

 Trong đó, 66,5% số DN cho biết "thủ tục, giấy tờ đơn giản" (năm 2016 là 49,5%); 76% số DN nhận thấy "thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định" (năm 2017 là 67%); 84% số DN cho biết "cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả", tăng đáng kể so mức 58% năm 2016. Tuy nhiên, bên cạnh những "điểm sáng", 54% số DN cho rằng hiện tượng nhũng nhiễu vẫn còn; 57,4% số DN phản ánh cần có mối quan hệ với cán bộ cơ quan chính quyền để có được các tài liệu của địa phương; 20% số DN đánh giá cán bộ nhà nước xử lý công việc chưa hiệu quả, chưa thân thiện,... Việc tiếp cận các loại thông tin như: Bản đồ, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch đầu tư công, tài liệu ngân sách, chính sách ưu đãi đầu tư vẫn bị các DN đánh giá còn nhiều khó khăn.

Có thể nói, PCI là bộ chỉ số của hành động, thúc đẩy các hành động thực chất của chính quyền các địa phương, định kỳ phải rà soát lại bộ máy hành chính của mình để nhìn lại những kết quả được và chưa được để từ đó nâng cao hiệu quả trong hoạt động hỗ trợ DN. Những con số nêu trên đã cho thấy, chính quyền các địa phương còn khá nhiều dư địa cho việc cải cách, phục vụ DN nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện MTKD. Vì vậy các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách, thật sự trở thành "bệ đỡ" cho các DN trụ vững và phát triển. Ðồng thời, có những giải pháp mới tăng cường đối thoại, giải quyết khó khăn giữa chính quyền và DN để các chương trình hỗ trợ đồng hành cùng DN thật sự có hiệu quả. Qua đó, duy trì sự ổn định và thuận lợi của MTKD, giúp các DN gia tăng quy mô sản xuất cũng như tạo thêm nhiều cơ hội để DN tham gia sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu.

MINH DŨNG